Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự án Luật Quy hoạch: Nhiều bộ đòi đặc thù

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/1, UBTV Quốc hội thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quy hoạch; Dự án Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).

Phải vì cái chung
Dự án Luật Quy hoạch sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐB Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, đã được bố cục lại gồm 6 Chương và 69 Điều, bổ sung một số điểm, khoản quy định về quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Việc rà soát, bổ sung nội dung báo cáo các loại quy hoạch; rà soát, bổ sung trình tự thẩm định quy hoạch; bổ sung thủ tục thẩm tra quy hoạch trong phê duyệt quy hoạch; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch… cũng được chỉnh lý, bổ sung vào Dự Luật.
Nhưng tại phiên họp lần này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đại diện lãnh đạo các bộ đề nghị “đặc thù” riêng quy hoạch ngành các Bộ Xây dựng, NN&PTNT, TN&MT, Công Thương đề nghị tiếp tục giữ lại một số loại quy hoạch mà Dự Luật không đưa vào. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị đại diện cơ quan soạn thảo cần giải trình thêm về danh mục 32 luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy hoạch đã xây dựng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, số lượng luật bị ảnh hưởng như thế là rất đồ sộ trong khi việc liệt kê, chủ trương còn ngổn ngang, nhìn vào chưa thấy yên tâm.

Một góc phía Nam TP Hà Nội.   Ảnh: Chiến Công

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ “vì cái chung”, chấp nhận những “động chạm” nhất định. Trong Luật Quy hoạch, một số Bộ muốn giữ lại một số quy hoạch dẫn đến không thống nhất. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, cần phải có một quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia. Để tạo sự đồng thuận trong quy hoạch, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát tránh sự chồng chéo, xung đột. "Quy hoạch cần phải mang tính dài hơi, có thể từ 30 - 50 năm" -Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, quy hoạch tổng thể quốc gia như một nhạc trưởng, tất cả quy hoạch khác đều phải nằm dưới sự điều hành của  nhạc trưởng này thì mới thành công được.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị các bộ cần xem xét kỹ lại để thống nhất quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, và quy hoạch tỉnh. Luật ra đời phải khắc phục cho được tình trạng chồng chéo, phân tán lãng phí. “Ngành ngành quy hoạch, mỗi tỉnh quy hoạch mà chẳng có liên kết gì với nhau. Một địa phương có kho lại không liên kết với địa phương lân cận. Một nơi có cảng biển thì không liên kết để nơi kế bên làm cảng biển nữa. Lãng phí, chia cắt không gian hành chính của tỉnh, vùng. Luật Quy hoạch ra đời phải khắc phục tình trạng này. Chúng ta không đặt lại có cần thiết hay không, rất cần thiết và có chủ trương rồi. Luật Quy hoạch ra quy hoạch chung nhất để tất cả các quy hoạch kia không trái với quy hoạch khung” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu cơ quan soạn thảo thẩm tra phối hợp hoàn thiện Dự Luật, đưa ra hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách cho ý kiến, đảm bảo Dự Luật đạt được sự đồng thuận cao nhất trước khi trình ra Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Khoán xe công theo mặt bằng chung
Cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi). Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo công bằng, bình đẳng và áp dụng thống nhất trong cả nước về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công và đề nghị luật hóa các quy định đã thực hiện ở văn bản dưới luật vào Dự Luật, như các nội dung về định mức xây trụ sở, chức danh sử dụng xe công, giá trị xe, tiêu chuẩn phòng làm việc. Có ý kiến đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với biến động của nền kinh tế - xã hội.
“Thực tế, việc khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng. Việc quy định cách tính mức khoán, các chức danh cụ thể... cần được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và nhu cầu công tác quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ” - ông Hải nêu quan điểm của Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách và cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính.
Các ý kiến trong UBTV Quốc hội đồng tình để đảm bảo sự thống nhất nên giao cho Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công là trụ sở làm việc, xe ô tô. Vì Chính phủ là nơi quản lý sử dụng tài sản công cho nên khoán xe công nên để cho Chính phủ làm luôn. Nói như Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, khoán xe công phải có mặt bằng chung chứ không thể cơ quan này thế này, cơ quan kia thế kia. Cho nên giao Chính phủ quy định mức khoán xe công là hợp lý.
Cùng ngày, UBTV Quốc hội đã thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Dự án Luật Cảnh vệ.