VAMC đang nắm gần 280.000 tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng giá trị mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC này từ khi thành lập vào giữa năm 2013 đến cuối 2017 là 279.775 tỷ đồng.

 VAMC đang nắm gần 280.000 tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 3 năm gần nhất vừa được Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thuộc Ngân hàng Nhà nước công bố đã cho thấy nhiều thông tin về giá trị mua bán nợ với các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, tổng giá trị mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt của DN này từ khi thành lập vào giữa năm 2013 đến cuối 2017 là 279.775 tỷ đồng. Giá trị mua nợ kỷ lục rơi vào năm 2015 khi con số này xấp xỉ 100.000 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, VAMC thu hồi được 81.280 tỷ đồng và bán 14.290 tỷ đồng nợ xấu.

Ban lãnh đạo công ty nhận định, kết quả này đóng góp lớn vào việc đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng xuống dưới 3% dư nợ, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua cơ cấu nợ, miễn giảm lãi và tiếp cận vốn vay ngân hàng.

VAMC cho biết, Công ty sẽ tập trung đánh giá, phân loại những khoản nợ xấu đã được mua và đang được quản lý. Trên cơ sở đó, sẽ áp dụng biện pháp xử lý nợ phù hợp với từng khách hàng, khoản nợ, từng loại tài sản đảm bảo của các khoản nợ đó.

Được biết, trong năm 2017, VAMC đã ký kết hợp đồng với 5 tổ chức tín dụng để mua nợ theo giá trị thị trường đối với 6 khách hàng với tổng giá trị mua nợ là 3.141 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch.

Sau khi mua nợ, VAMC tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, triển khai xử lý nợ và đã thu hồi được trên 130 tỷ đồng từ các khoản nợ mua theo giá trị trường. Dự kiến thu hồi đủ số tiền mua nợ trong quý I và quý II/2018.

Theo đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, vốn điều lệ của VAMC đến năm 2018 tăng lên 5.000 tỷ đồng, tạo điều kiện đẩy mạnh mua nợ theo giá trị trường.

Dự kiến, trong năm 2018 và các năm sắp tới, VAMC sẽ giảm dần việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt, chuyển dần sang hình thức mua đứt bán đoạn theo cơ chế thị trường.