Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó: Việc khó nhưng cần thiết

Trọng Tùng – Phương Nga – Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn TP.

Trong một động thái có liên quan, Chi cục Thú y Hà Nội đã tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội trình UBND TP lộ trình vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó. Theo đó, tới năm 2021, sẽ cấm kinh doanh thịt chó tại các quận nội thành. Để rộng đường dư luận, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức loạt bài ghi nhận ý kiến của người dân, các cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan xung quanh đề xuất này.     
Bài 1: Hai luồng dư luận trái chiều
Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc Chi cục Thú y Hà Nội đưa ra đề xuất lộ trình cấm bán thịt chó trong các quận nội thành vào năm 2021. Dù mới chỉ là đề xuất, nhưng chủ trương trên đã tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều.

Ghi nhận ở “thủ phủ chó”

Tại Hà Nội, xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) được xem là “thủ phủ” của nghề giết mổ chó. Phố Thú y ven QL32 chỉ kéo dài khoảng 1km nhưng có hàng chục điểm bán lẻ thịt chó. Dù nằm ven tuyến đường có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, kéo theo đó là khói bụi, tuy nhiên, các quầy hàng đều không được che đậy. Chó thui được đặt lên kệ, khách có nhu cầu, chủ quầy hàng sẽ xẻ từng miếng bán cho khách. Chị Lê Phương Dung, một tiểu thương cho biết, đã nghe qua về chủ trương cấm bán thịt chó tại các quận nội thành. Tuy nhiên, không mấy quan tâm vì chị bán ở ngoại thành. Hơn nữa theo chị Dung, người ta thích ăn, vẫn sẽ tìm mua, chứ không thể nói cấm bán là cấm được người dân ăn thịt chó!
 Thịt chó bày bán tại chợ Thành Công. Ảnh: Công Hùng
Những người lo lắng nhất có lẽ là các hộ mổ chó. Làng Cao Hạ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức hiện có hàng trăm hộ dân đang sống nhờ nghề buôn bán, giết mổ chó. Anh Trịnh Văn Yên cho biết, gia đình có truyền thống gần 50 năm giết mổ chó. Hiện mỗi ngày, cơ sở giết mổ cung ứng cho các nhà hàng trong nội thành Hà Nội trên dưới 30 con chó. Vào những ngày “mát trời” hoặc “cuối tháng”, số lượng có thể còn lớn hơn. “Vợ tôi mấy ngày qua cứ lo lắng vì sợ mất nghề bán thịt chó nếu TP cấm” - anh Yên chia sẻ. Theo người đàn ông này, việc cấm bán thịt chó trong nội đô sẽ ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh của nhiều hộ gia đình, bởi khi đó, nhiều mối khách quen là nhà hàng, quán nhậu có thể sẽ giảm lượng nhập, thậm chí là ngừng nhập, chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.

Trước đây, cứ ngày lễ, Tết, cưới hỏi là nhà nào cũng đốt pháo nhưng khi Nhà nước có chủ trương cấm thì tất cả người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành. Việc cấm kinh doanh thịt chó trong nội thành ở một chừng mực nào đó, hoàn toàn có thể thực hiện được".

Anh Phan Hồng Thái, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh.
Chị Nguyễn Thị Vân, một trong số những hộ giết mổ chó lớn nhất làng Cao Hạ cũng tỏ ra khá bức xúc với đề xuất trên khi cho rằng, điều này sẽ khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Người phụ nữ này còn thừa nhận, biết rằng nghề mổ chó là sát sinh, nhưng không làm nghề này thì không biết làm gì để kiếm sống!

Cần thời gian thay đổi thói quen

Là một người rất yêu động vật, đặc biệt là chó, mèo, chị Trần Thanh Thủy (phường Dương Nội, quận Hà Đông) vui mừng khi biết TP Hà Nội có chủ trương cấm bán thịt chó, mèo. “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương cấm ăn thịt chó của TP, bởi chó là loài rất gần gũi, thân thiện và hữu ích với con người” - chị Thủy cho hay. Hầu hết những người trẻ khi được hỏi cũng đồng tình với chủ trương trên. Nguyễn Lan Anh (sinh viên năm thứ tư, trường Đại học Luật Hà Nội) cho biết, không chỉ bản thân mà nhiều bạn bè của cô cũng không ăn thị chó, mèo.

Là địa phương có tục lệ ăn thịt chó vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Gia Tứ - Trưởng thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ cho biết, việc từ bỏ thói quen sẽ cần thời gian. “Hiện, thôn Trường Yên có 1.300 hộ dân với 7.000 khẩu, trung bình một ngày mùng 4 Tết thôn tiêu thụ hết khoảng 4 tấn thịt chó” - ông Tứ cho biết đồng thời khẳng định: Đã là chủ trương thì người dân sẽ phải chấp hành. Tuy nhiên, để bỏ hẳn việc ăn thịt chó ở làng này trong ngày một ngày hai thì sẽ rất khó. Do đó, sẽ cần thời gian để dần thay đổi thói quen này.

Việc cấm bán thịt chó là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian. “Để có thể thay đổi được thói quen ăn thịt chó của người dân, trước mắt TP cần tuyên truyền để người dân dân hiểu ra vấn đề, sau đó mới đưa ra chế tài xử phạt. Trong đó, nên bắt đầu từ thay đổi nhận thức của giới trẻ” - bà Trần Thị Bình, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ.

Việc cấm bán thịt chó trong nội đô chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của nhiều hộ kinh doanh thịt chó hiện nay. Dù vậy, một số ý kiến được hỏi cũng cho biết, nếu là chủ trương chung thì sẽ nghiêm túc thực hiện. Anh Hoàng Tấn Long, chủ cửa hàng thịt chó Bốn Mùa ở đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cho biết: Anh đã kinh doanh thịt chó 6 năm nay, lợi nhuận mỗi năm không dưới 200 triệu đồng. Nếu TP cấm buôn bán thịt chó thì anh sẽ phải tìm hướng kinh doanh lĩnh vực khác. (còn nữa)