Vận hành thị trường điện cạnh tranh: Tăng minh bạch, bớt độc quyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ hoàn thành các bước thủ tục để năm 2017 - 2018 vận hành thử nghiệm và từ năm 2019 vận hành chính thức.

Việc hình thành thị trường điện này được đánh giá sẽ tạo động lực để các tổng công ty điện lực phải tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh. Khi đó, DN và người dân sẽ được hưởng lợi và mức giá điện hợp lý, minh bạch hơn.

Kinh nghiệm từ một số quốc gia

Năm 1998, Đức bắt đầu tự do hóa thị trường năng lượng. Lúc đó trên thị trường có 4 công ty hoạt động rất mạnh (E.ON, RWE, Váttenfall, EnBW) đều là công ty nhà nước và thống lĩnh hầu hết thị trường điện ở Đức. Vì vậy, quá trình tự do hóa được đưa ra với mục đích giảm sự độc quyền của các công ty này và tăng sự cạnh tranh cho thị trường. Khi thị trường cạnh tranh thì người tiêu dùng (NTD) sẽ có lợi hơn. Điều đó khuyến khích các công ty tăng cường chất lượng sản phẩm của họ và giảm được giá thành.
Công nhân điện lực Hà Nội kiểm tra số điện tại huyện Đan Phượng. 	Ảnh: Việt Cường
Công nhân điện lực Hà Nội kiểm tra số điện tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Việt Cường
Và thực tế, theo GS.TS Andreas Polk (Đại học Kinh tế và Luật Berlin), việc tự do hóa thị trường có những tác động nhất định. Tổng thị phần của 4 công ty lớn của Đức khi tự do hóa thị phần đã giảm xuống 2/3. “Cùng với tự do hóa thị trường năng lượng và các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư chuyển dần đầu tư sang xây dựng công suất mạng lưới, năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm sự độc quyền của các công ty này và tăng sự cạnh tranh cho thị trường. Điều đó cũng khuyến khích các công ty tăng cường chất lượng sản phẩm của họ và giảm được giá thành” - GS.TS Andreas Polk chia sẻ.

Trong khi đó, thị trường điện quốc gia (NEM) ở Australia là thị trường điện bán buôn, các đơn vị phát điện bán điện và các đơn vị bán lẻ mua điện để bán lại cho NTD. Có trên 100 đơn vị phát điện và bán lẻ ở Australia tham gia vào NEM nên thị trường rất cạnh tranh và là phương thức hiệu quả để duy trì giá điện tương đối cạnh tranh trên thị trường bán buôn. Hiện, ở Australia chỉ còn mỗi khâu truyền tải và phân phối điện là còn “độc quyền tự nhiên”, còn khâu thu mua điện từ các nhà máy điện, khâu phân phối điện cho các đơn vị bán lẻ và NTD lớn đã được “thị trường hóa”. Tuy nhiên, Cơ quan điều tiết điện lực của Australia (AER) vẫn tham gia vào quản lý thị trường điện để tránh tình trạng giá cả độc quyền và AER ấn định giá trần/doanh thu trần, đánh giá lại 5 năm/lần để khuyến khích môi trường đầu tư ổn định.

Mặc dù có những điểm khác nhau, nhưng thị trường điện của Australia và Đức có nhiều điểm chung, đặc biệt giá điện được điều chỉnh theo nhu cầu và biến động của thị trường nên giá điện mà NTD trả sẽ phụ thuộc vào chính hành vi của họ. Các bên có nhiều sự lựa chọn hơn khi mà có nhiều đơn vị, DN tham gia thị trường điện buộc phải cạnh tranh với nhau.

Nhất quán với thị trường điện cạnh tranh

Xây dựng thị trường điện cạnh tranh là một chủ trương nhất quán của Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, thị trường phát điện cạnh tranh đã thu được những thành công, nổi bật là việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện. Tuy nhiên, khi tỷ lệ các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh tăng nhanh, thì thị phần các nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện vẫn còn cao. Khoảng 50% công suất lắp đặt không tham gia thị trường và xác định giá thị trường. Do vậy, giá thị trường chưa phản ánh chính xác chi phí của toàn hệ thống điện… Từ thực tế ở NEM, chuyên gia lĩnh vực điện của Australia Julian Scarff nhấn mạnh, phát triển thị trường điện cạnh tranh nhưng để có thể xây dựng được thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng sự “độc lập” cho cơ quan điều tiết điện lực. Với chủ trương nhất quán trong xây dựng thị trường điện, cùng với việc từng bước luật hóa quá trình tái cơ cấu ngành điện, đảm bảo để ngành điện hoạt động đúng theo quy luật cơ bản thị trường về quan hệ cung – cầu, giá cả, TS Nguyễn Minh Phong nhận định, tới đây các vấn đề công ích, xã hội sẽ được Nhà nước giải quyết trực tiếp đến từng đối tượng, không thực hiện qua DN như hiện nay…