[Văn hóa chính trị và góc nhìn “đạo đức người cán bộ”] Bài 1: Nhận diện những thách thức

Hà Bình - Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng văn hóa chính trị là vấn đề đang được nhắc đến nhiều, đặc biệt trong thời điểm Đại hội các cấp tiến hành, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là một phạm trù rất rộng, với nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng có thể nói, theo nghĩa hẹp, đó là xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ văn hóa, làm việc có văn hóa, sống có văn hóa.

Báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu đến bạn đọc chùm bài nhận định, đánh giá phân tích về văn hóa chính trị từ trước đến nay và những vấn đề đặt ra trong tương lai, nhằm nêu cao yếu tố đạo đức và trách nhiệm nêu gương, loại bỏ đi những biểu hiện đáng lo ngại, xuống cấp đáng báo động về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Cán bộ UBND huyện Sóc Sơn hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Chiến Công
Kiến tạo văn hóa, đạo đức lành mạnh
Thuật ngữ văn hóa chính trị đã quen thuộc và được trao đổi nhiều lần trong Đảng cũng như trong xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, văn hóa chính trị của một thể chế và văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên là những vấn đề rộng lớn, bị chi phối bởi nhiều lĩnh vực, nhiều yếu tố. Vì vậy, việc nâng cao văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên phải được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với năng lực lãnh đạo của Đảng, sự vững mạnh của hệ thống chính trị. Đặc biệt, việc nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ phải gắn liền với việc rèn luyện đạo đức, lối sống và đề cao trách nhiệm nêu gương. Hay nói khác đi, người cán bộ phải là người tiêu biểu về đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của Nhân dân.
Trong Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đã nêu rõ: “Trọng tâm của xây dựng văn hóa trong chính trị là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác mà Nghị quyết này đã đề ra là: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Vấn đề bao trùm xây dựng văn hóa chính trị chính là xây dựng con người. Văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra, đồng thời lại là sản phẩm của chính nền văn hóa ấy.

Theo GS Hoàng Chí Bảo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức được giáo dục và thực hành văn hóa trong chính trị phải tỏ ra là những chủ thể của văn hóa chính trị, tận tụy, trách nhiệm, gương mẫu trong công việc, trong quan hệ, trong ứng xử với dân theo yêu cầu trọng dân và trọng pháp. Một trong những chỉ số đo lường văn hóa chính trị là niềm tin của dân chúng đối với Đảng, sự hài lòng của người dân đối với quản lý của Nhà nước và chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức trong phục vụ xã hội và Nhân dân, sự phát triển dân chủ, sự đoàn kết và đồng thuận xã hội. Từ thái độ tới hành vi mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức đều phải tỏ ra là người có văn hóa, biết tự trọng mình và tôn trọng người khác. Có lỗi biết xin lỗi và quyết tâm sửa lỗi, lời nói việc làm đi đôi với nhau. Văn hóa xin lỗi, văn hóa từ chức, văn hóa nơi công sở, trong tiếp dân và nghe dân, văn hóa công dân, văn hóa công chức... đang là những vấn đề cần thiết phải giáo dục và rèn luyện thực hành.
Nhìn lại tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa chính trị có thể thấy, tinh thần trọng dân, vì dân, đạo đức cách mạng của người cán bộ cũng liên tục được đề cập đến rất sâu sắc. Trong đó, tư tưởng của Bác luôn nhấn mạnh quan điểm “vì dân phục vụ”. Phong cách Hồ Chí Minh là “Trọng dân, thương yêu dân, gần gũi dân”. Đảng viên của Đảng và cán bộ, nhân viên của Nhà nước là công bộc trung thành của dân, làm việc theo tinh thần chí công vô tư.
Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), văn hóa chính trị phải gắn kết cho được ý Đảng và lòng dân. Khi ý Đảng và lòng dân đạt được sự đồng thuận cao, chúng ta sẽ có sức mạnh to lớn đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên nhanh chóng và bền vững, không thế lực thù địch nào chống phá nổi. Suốt quá trình hoạt động cách mạng của Bác, chúng ta rút ra bài học đó là con người cần đạo đức, cách mạng cần đạo đức và đặc biệt, Đảng rất cần đạo đức. Và khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, vấn đề đạo đức hết sức cần thiết. Vì vậy, Bác từng nói: Đảng ta là đạo đức, là văn minh.
Theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, văn hóa trong chính trị, trước tiên phải là văn hóa trong Đảng. Hay nói cách khác, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là thực hành văn hóa trong chính trị. Nhìn lại thực tiễn cho thấy, một số yếu tố văn hóa trong Đảng đã được định hình. Thời gian qua, Đảng, nhất là Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương về xây dựng văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Nhiều nghị quyết, chỉ thị được ban hành để xây dựng đạo đức, văn hóa của cán bộ, đảng viên; về trách nhiệm nêu gương. Đặc biệt, công tác chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến tích cực đã tạo được niềm tin cho Nhân dân về công việc này. Những thách thức đối với việc kiến tạo văn hóa, đạo đức lành mạnh trong hệ thống chính trị dù còn nhiều thách thức nhưng đã cho thấy những thành quả.
Tại Hà Nội, nhiều năm nay, Thành ủy, UBND TP Hà Nội chú trọng xây dựng Chương trình 04-Ctr/TU “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội, trong đó có văn hóa ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động để chấn chỉnh những trường hợp cán bộ, công chức trên địa bàn TP Hà Nội có những hành vi ứng xử không phù hợp với công dân trong làm việc và trong giao tiếp xã hội. Từ khi TP Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP, nhiều người tin rằng, đây sẽ là nền tảng tốt để định hướng, điều chỉnh văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức vốn đã bị nhắc đến từ lâu. Lãnh đạo TP cũng kỳ vọng, người dân phấn khởi và bản thân các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cũng nhanh chóng triển khai trong cán bộ, công chức. 
Lạm quyền - suy thoái về văn hóa chính trị
Khi nói đến văn hóa trong chính trị dưới góc nhìn “đạo đức người cán bộ” có một vấn đề được đặt ra đó là tình trạng lạm dụng, tha hóa quyền lực. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một câu có giá trị soi sáng cho tới ngày hôm nay, kể cả sau này. Đó là “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, nhưng dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét (tham ô), có dịp ăn của đút (nhận hối lộ), có dịp dĩ công vi tư (lấy của công làm của tư).
Bởi như các nhà nghiên cứu đã phân tích, trong khái niệm văn hóa trong chính trị có hai mặt đối lập là: Dùng quyền lực để phụng sự đất nước, Nhân dân và dùng quyền lực để mưu lợi ích cho cá nhân, gia đình, phe nhóm mình. Khi những người thiếu phẩm chất, nhân cách được trao quyền lực, họ sử dụng quyền lực theo mặt đối lập thứ hai. Quyền lực được trao càng cao và càng lâu, sai phạm của họ càng nhiều, mức độ sai phạm càng nghiêm trọng, tổn thất cho Nhân dân càng lớn.
Do đó, có nhiều biểu hiện của sự suy thoái về văn hóa trong chính trị mà xã hội đang lên án như: Quan liêu, sách nhiễu dân, thiếu trách nhiệm, tham nhũng, bè phái… Chúng xảy ra ở hầu hết, nếu không phải ở tất cả, các cấp, các ngành, các địa phương, với những mức độ khác nhau. Điều đó ngày càng đòi hỏi phải đề cao hơn việc xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa.
Theo TS Nguyễn Viết Chức, trong chính trị, tư tưởng và đặc biệt trong “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, buông thả với lối sống xa hoa, bệnh hoạn chính là mất văn hóa. Còn chạy chức, chạy quyền, còn chuyên quyền, độc đoán mất dân chủ tức là đang thiếu văn hóa trong chính trị, tư tưởng. Cán bộ không là “công bộc của dân” theo lời dạy của Bác mà còn vô cảm, hạch sách, nhũng nhiễu dân, đấy là thiếu văn hóa chính trị. Đảng ta là đạo đức, là trí tuệ, là văn minh, mà trong đội ngũ của mình còn nhiều cán bộ, cả cán bộ cao cấp cũng không thể hiện tinh thần đó cũng chính là đang thiếu hụt về văn hóa trong chính trị. Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, tha hóa biến chất không chịu từ chức cũng là đang thiếu văn hóa trong thực hành công vụ…
Trở lại biểu hiện nổi cộm hiện nay của sự suy thoái về văn hóa trong chính trị là việc lạm dụng quyền lực được trao. Nhiều ý kiến cho rằng, Đảng nên đặt cao hơn vấn đề xây dựng Đảng về mặt văn hóa, đưa văn hóa vào trong đời sống sinh hoạt chính trị của Đảng, trong chuẩn mực ứng xử của toàn đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Cán bộ phải “trọng dân và trọng pháp”, phải ứng xử tôn trọng với Nhân dân. Trong Đảng nên mở một cuộc giáo dục thật công phu cho tất cả các đối tượng từ cán bộ lãnh đạo đến đảng viên, thậm chí là quần chúng về vấn đề trọng danh dự, trọng liêm sỉ. Bởi vấn đề bao trùm xây dựng văn hóa trong chính trị chính là xây dựng con người. Văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra, đồng thời lại là sản phẩm của chính nền văn hóa ấy.

PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Hạt nhân của văn hóa chính trị chính là dựa vào dân

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, càng thấy rằng, xây dựng Đảng phải bắt nguồn từ xây dựng con người văn hóa, đội ngũ đảng viên văn hóa. Tôi hiểu văn hóa bao trùm tất cả các mặt của đời sống, vì vậy rất tự nhiên, có văn hóa của các mặt riêng biệt của cuộc sống. Chính trị là một mặt của đời sống xã hội, nên nói văn hóa trong chính trị là bàn tới văn hóa của hoạt động chính trị.

Trong đó, “dân” như là một phạm trù trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, có sắc thái riêng - sắc thái Hồ Chí Minh - vượt trội nhiều quan điểm khác về dân. Đó là văn hóa chính trị “dân quyền”, “dân sinh”, “dân trí”, “dân chủ”. Người cán bộ phải “minh đức, thân dân”, tức chính tâm và phục vụ Nhân dân. Thực hành được bốn chữ “chí công vô tư” với ý nghĩa là cốt lõi của đạo đức cách mạng thì đầu óc mới trong sáng, tỉnh táo để làm những việc ích nước, lợi dân; khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít và những tính tốt như cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, trí, dũng ngày càng thêm. Chí công vô tư là nêu cao chủ nghĩa tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân. Bác cũng nói nhiều lần, một cán bộ đảng viên, đặc biệt cán bộ đảng viên có chức, có quyền phải luôn luôn tu thân chính tâm, tâm phải trong trẻo, tâm phải đứng đắn, tâm phải luôn nghĩ về nước về dân, phải đặt lợi ích của Tổ quốc của Nhân dân lên trên hết, phải tu thân hàng ngày từ việc nhỏ, việc lớn, suốt đời cứ như vậy.

Những phân tích trên để đi tới quan điểm “chính trị có văn hóa”, tức là một thứ chính trị chính thống, chuyên nghiệp và thân thiện. Chính trị ở đây là lòng dân - vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay. Hạt nhân của văn hóa chính trị chính là dựa vào dân, thể hiện sự thân thiện giữa những người cán bộ với dân. Đây là một trong những bài học quan trọng nhất, thậm chí là bài học lớn nhất trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn rất thời sự trong hiện tại. Xây dựng Đảng không chỉ là công việc của Đảng, mà như Bác đã nói, là phải dựa vào dân để xây dựng Đảng. Phải mở rộng cánh cửa, lấy ý kiến Nhân dân, để dân góp ý cho mình. Bây giờ cũng vậy, phải có kênh nào đó lấy ý kiến Nhân dân, không phải ý kiến đại cử tri. Ngay cả việc “nhốt” quyền lực thì cái “lồng quần chúng” mới thật sự vững chắc.

Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, PGS.TS Phạm Quang Long: Người cán bộ có nhân cách sẽ làm việc chính đáng cho cộng đồng

Văn hóa chính trị là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu cho mỗi người hướng tới để rèn luyện, học tập và tu dưỡng bản thân, xứng đáng là một công dân trong một đất nước và xã hội tiến bộ, văn minh. Không phải đến thời nay, người ta mới quan niệm xây dựng văn hóa trong chính trị, mà từ thời xưa, các cụ đã đúc kết ra rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ dăn dạy con người ta phải ăn nói, thể hiện mình trước đám đông và biết ứng xử nơi quan trường.

Phải nhìn nhận, hiện nay, văn hóa công sở đang đẻ ra các tệ nạn: Ma cũ bắt nạt ma mới, văn hóa đùn đẩy, nhận công không nhận tội… Đó là biểu hiện của người làm chính trị, người làm cán bộ không có chiều sâu văn hóa, không có nhân cách và không biết ứng xử. Để xây dựng được văn hóa trong chính trị thì chúng ta phải chọn người cán bộ có nhân cách, tài năng. Con người nhân cách thì rơi vào hoàn cảnh bi đát nhất cũng phải giữ mình trong sạch như lời của Mạnh Tử, đừng nhìn nghe báo cáo mà nhìn ảnh hưởng của con người đó trong cộng đồng. Con người ấy ở xa muốn tìm đến để gặp, ở gần để ảnh hưởng tỏa sáng. Họ làm những điều chính đáng có ích cho cộng đồng.

Khi làm việc với vai trò là Giám đốc Sở VH&TT, tôi sợ nhất những công việc liên quan đến công tác phối hợp xử lý. Tôi từng làm công văn đề xuất Sở GTVT cắt một cành cây để dựng đồng hồ đếm ngược ở khu vực Hồ Gươm nhưng 4 tháng không nhận được câu trả lời. Những công việc TP giao Sở VH&TT chủ trì phối hợp với các sở ngành khác nhưng phải chờ đợi như xin nài, chờ người ta đến tham gia họp rồi phán… Đó là những hạt sạn trong văn hóa công chức, văn hóa chính trị cần phải chấn chỉnh.

Chăm lo đến việc giáo dục văn hóa trong chính trị là chăm lo đến sự nghiệp trồng người, chăm lo đến sự nghiệp xây dựng đất nước “vì lợi ích trăm năm” và “muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Nhà hoạt động chính trị vừa phải tự rèn luyện, tự hoàn thiện trình độ văn hóa chính trị của mình, đồng thời, phải là người nêu gương sáng cho những người khác. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, văn hóa chính trị càng cần được đề cao, nhất là đối với những nhà hoạt động chính trị, bởi vì họ chính là tấm gương học tập, là biểu tượng của một nền văn hóa chính trị hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần