Văn hóa đi chùa đang xuống cấp?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cửa chùa là nơi trang nghiêm, thanh tịnh, thế nhưng ở nơi tôn nghiêm này vẫn thường xuyên có cảnh váy ngắn, quần soóc, hay áo trong suốt đi lễ, khiến nhiều người xung quanh bức xúc.

Trong một lần dạo quanh các di tích dịp đầu Xuân, GS Trần Lâm Biền đã thốt lên: “Văn hóa đi chùa của người Việt xuống cấp quá!”.

Nhức mắt “váy ngắn” lễ chùa

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ông cha ta xưa ăn mặc khi đi lễ chùa bao giờ cũng chỉnh tề hơn thường ngày, thậm chí nhiều người còn tắm rửa sạch sẽ trước khi đi lễ. Đàn ông mặc áo the, khăn xếp, chân đi guốc mộc. Mấy chục năm trở lại đây thì mặc comple, đeo cà vạt, chân đi giày. Phụ nữ mặc áo tứ thân hoặc áo dài… Ngày nay, trang phục đã có sự thay đổi, nhưng vẫn quy ước ăn mặc tươm tất, lịch sự để thể hiện sự tôn trọng nơi cửa Phật.
Khách tham quan mặc đồ phản cảm đi ngang biển nhắc nhở trang phục trước chùa Trấn Quốc chiều 15/1/2016. 	Ảnh: Phạm Hùng
Khách tham quan mặc đồ phản cảm đi ngang biển nhắc nhở trang phục trước chùa Trấn Quốc chiều 15/1/2016. Ảnh: Phạm Hùng
Điều đáng buồn là sự tôn trọng ấy chỉ còn trong tiềm thức và cách nghĩ của người già. Hiện nay, rất nhiều người trẻ không ngại ăn mặc phản cảm ở chốn thiêng. Những bộ trang phục như váy ngắn, quần bò rách, thậm chí quần đùi, tưởng chừng chỉ dễ thấy ở công viên hay ngoài phố, lại xuất hiện không ít tại các đền chùa. Dạo quanh các chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ…, bất kể tiết trời Hà Nội đang đón cái rét đậm, các cô gái tuổi 20 trẻ trung vẫn diện những mốt áo giấu quần, váy ngắn, váy xòe chắp tay đứng vái trước tòa Tam Bảo. Không chỉ người dân bình thường, nhiều nghệ sĩ cũng “mắc lỗi” ăn mặc khi đến chùa. Hoa hậu Kỳ Duyên, người mẫu Angela Phương Trinh, ca sĩ Lâm Chí Khanh, ca sĩ Thảo Trang… từng khiến các fan “dậy sóng” về bộ trang phục khoét quá sâu, hở quá nửa phần lưng; hoặc váy quá ngắn khi đi lễ chùa. GS Trần Lâm Biền nhìn cảnh tượng ấy không khỏi ngao ngán: “Bây giờ vào chùa nhìn thấy nhiều cảnh nhức mắt. Văn hóa đi chùa người Việt xuống cấp quá!”.

Sao không học láng giềng?
Nếu như nói lên chùa chỉ cần cái tâm mà không cần chú ý ăn mặc thế nào chỉ là ngụy biện. Vì nếu như chỉ cần cái tâm thì có thể không cần lên chùa mà người ta vẫn nói “tu tại gia” mà. Còn khi đã tới đình, chùa tức là đã đặt trong mối quan hệ với cộng đồng xã hội nên càng phải có ý thức. Tâm đâu chỉ là lòng thành mà còn biểu hiện ở tiếng nói, ăn mặc, cách đi đứng...
PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển
Váy ngắn tới chùa không chỉ trở nên lố bịch mà còn làm mất đi ý nghĩa của việc đi chùa, thậm chí làm mất đi phước phần của mình. 
Thượng tọa Thích Minh Hiền - Trụ trì chùa Hương.

Thực tế, ở một số ngôi chùa như Trấn Quốc, Một Cột… dù có tấm biển ghi những dòng chữ “Đề nghị quý khách lưu tâm không mặc quần áo ngắn vào chùa”, chùa Hương trong ngày chính hội (mùng 6 Tết âm lịch) bên cạnh những tấm biển đề nghị các Phật tử không rải tiền lẻ, bày lễ mặn… còn có những tấm biển hướng dẫn du khách về trang phục cho người dân khi đi lễ, thế nhưng dường như phái đẹp vẫn cố lờ đi những lời nhắc nhở này.

Không xa Việt Nam, ở Thái Lan và Lào, ngay tại cổng các chùa luôn có những tấm biển lớn minh họa về quy định trang phục cho du khách khi vào chùa. Họ cũng có nhân viên phụ trách yêu cầu khách lễ chùa phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về trang phục. Ngoài ra, tại các nơi thờ tự ở những nước này luôn có dịch vụ cho thuê, mượn trang phục cho những người trót mặc trang phục không phù hợp tới chùa. Chính vì vậy, vào mùa lễ hội, dù là du khách nước ngoài hay người dân sở tại đều chọn cho mình những bộ trang phục của nhà chùa để thành tâm hướng Phật. Ở Việt Nam, một số đền, chùa "học" cách này, ví như đền Bảo Hà (Lào Cai) đã mở ra dịch vụ thuê mượn trang phục lễ chùa. Thế nhưng, xem ra việc làm này chưa phổ biến và chưa trở thành thói quen của người Việt.

Quy định trong quy tắc ứng xử

“Chúng ta cần một quá trình để giáo dục đến nơi đến chốn, mặt khác vẫn cần những quy định. Xác định đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và toàn xã hội nhắc nhở để tạo ra dư luận xã hội nhằm từng bước chấm dứt tình trạng này” - PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển bày tỏ. Không đứng ngoài cuộc chấn chỉnh ăn mặc đi lễ chùa, một trong những điều khuyên "không nên làm" của Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng mà TP Hà Nội sắp ban hành và triển khai có hướng đến cả lời khuyên ăn mặc nơi đình, chùa. Những quy định như: Không đùa cợt ăn nói thô tục, không mặc quá ngắn, quá hở hang… phải trở thành điểm nhấn, quy định trong quy tắc ứng xử của người Hà Nội.

Trong cuộc họp giao ban công tác tổ chức lễ hội gần đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã nhắc nhở Ban quản lý di tích chùa Hương: “Thời xưa trước khi đến chùa phải ăn chay cả tháng. Chính vì vậy, Ban quản lý phải tăng cường nhắc nhở Nhân dân giữ gìn văn minh nơi cửa chùa, không thể để tình trạng treo thịt thú rừng, hát karaoke ở những nơi tôn nghiêm ấy. Đặc biệt là phong thái, trang phục cũng cần phải nhắc nhở”. Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn khuyên các Phật tử: “Vào nơi tôn nghiêm phải ăn mặc kín đáo. Tâm và tướng phải đi liền với nhau. Hình dáng bề ngoài thể hiện tâm hồn, nếu tâm hồn trong sáng và người tâm linh cẩn thận tôn kính thì phải giữ cả ở bên ngoài. Được cả tướng với tâm thì lễ bái mới trọn vẹn. Trang phục đẹp đó chính là sự hài hòa giữa môi trường xung quanh, không gian linh thiêng và cả mọi người xung quanh”.

Đi chùa là truyền thống văn hóa có từ mấy chục thế kỷ nay, mục đích của việc đi chùa là trải nghiệm đời sống văn hóa và tâm linh để thăng hoa nhận thức và thông qua đó cải thiện đời sống xã hội. Do vậy, giữ gìn văn minh nơi cửa chùa, đặc biệt là phong cách ăn mặc cũng chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt. Xuân mới lại đến với dập dìu dòng người đi lễ đầu năm cầu bình an, tài lộc... Và câu chuyện trang phục nơi cửa chùa nhiều ái ngại lâu nay lại thêm một lần gióng giả.