Văn hóa đi tàu: Ngay và luôn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được bàn giao cho Hà Nội đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Người dân Hà Nội đã bỏ qua sự bức xúc vì những lần trễ hẹn, vì tình trạng đội vốn một cách khủng khiếp… mà hồ hởi đón mừng sự kiện tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội, cũng là của cả nước, đi vào hoạt động. Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt đô thị Hà Nội, trong 3 ngày đầu, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận hành tất cả 386 chuyến tàu, phục vụ 99.142 lượt hành khách.

Về sự kiện này, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những dòng tít: "Hàng nghìn người Hà Nội chen chúc đi tàu", "Phát hoảng với cảnh dòng người đông nghìn nghịt đổ về trải nghiệm đường sắt Cát Linh - Hà Đông", "Hành khách xếp hàng đông nghịt để trải nghiệm đường sắt Cát Linh- Hà Đông"... Nói cách khác, bên cạnh niềm vui, niềm hứng khởi đã xuất hiện nỗi lo cùng những cảnh báo về tình trạng thiếu trật tự an toàn khi rất đông người có mong muốn được trải nghiệm loại hình vận chuyển hành khách mới này.

Thực tế đó khiến chúng ta phải suy nghĩ đến một việc cần làm ngay: Xây dựng nếp văn hóa đi của người dân, đặc biệt là người dân Thủ đô và các TP lớn.

Những ai đã từng trải nghiệm sự thuận lợi, văn minh… của hệ thống đường sắt đô thị tại các nước châu Âu hay ở Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc…chắc hẳn đều có chung một cảm nhận. Đó là ngoài nguyên nhân được thiết kế, xây dựng, vận hành một cách khoa học, hiện đại, sự tiện lợi, văn minh đó còn được tạo nên bởi nếp ứng xử văn hóa của khách đi tàu.

Lấy ví dụ như ở Đức, quốc gia có hệ thống đường sắt tốt nhất châu Âu: Tàu điện ngầm (U-Bahn) hay tàu điện nổi (S-Bahn, Tram) có lúc đông, lúc vắng tùy giờ, nhưng tất thảy mọi người lên xuống đều rất nhanh gọn, trật tự. Tuyệt nhiên không có cảnh vội vàng hay chen lấn xô đẩy, ồn ào. Dòng người lên tàu đứng hẳn sang một bên kiên nhẫn chờ cho đến khi người cuối cùng ở trên tàu bước xuống rồi mới lần lượt lên tàu. Ngay một chi tiết là khi lên xuống ga tàu điện ngầm bằng thang máy cuốn, cần đứng gọn sang phía bên phải để nhường đường cho những người đang vội, cũng rất cần phải học.

Một ví dụ khác. Tàu điện là phương tiện thông dụng nhất, không thể thiếu trong đời sống của người Nhật Bản. Mỗi ngày có gần 60 triệu người Nhật sử dụng phương tiện giao thông này bởi nó rẻ, tiện lợi. Cần phải nói là hệ thống tàu ở Tokyo hoạt động trơn tru, trật tự là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ban quản lý và của chính hành khách với một nếp văn hóa đi tàu có thể coi là mẫu mực. Trật tự luôn được duy trì ngay cả trong những giờ cao điểm với lượng hành khách vô cùng đông đúc. Mỗi người đều có ý thức giữ trật tự, không nói to, hay gọi điện thoại làm ảnh hưởng người khác. Còn chuyện nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ là điều không phải bàn…

Theo quy hoạch tới năm 2030, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ có 9 tuyến với tổng chiều dài 410,8km, cùng hàng trăm nhà ga. Như vậy, trong tương lai, đây sẽ là loại hình vận chuyển hành khách chủ lực của TP với sự thuận tiện, nhanh chóng, xứng tầm một đô thị văn minh, hiện đại. Và để mạng lưới đó phát huy tác dụng, bên cạnh những tiêu chuẩn cần thiết về thiết kế, xây dựng và vận hành, không thể thiếu sự đóng góp của hành khách với một nếp văn hóa đi tàu lành mạnh, văn minh. Ở Hà Nội, chúng ta bước đầu đã xây dựng nếp văn hóa đi xe bus khá tốt. Và để có được điều đó, cần bắt đầu từ việc giáo dục cho người dân những điều cụ thể nhất, đặc biệt là với lớp trẻ, những chủ nhân tương lai của TP và đất nước. Từ bài học kinh nghiệm nói trên, có thể nói xây dựng văn hóa đi tàu là việc cần được bắt đầu từ hôm nay, khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đi vào hoạt động thương mại. Như các bạn trẻ hiện nay hay nói: Ngay và luôn!