Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Văn hóa Hồ Chí Minh sáng mãi với đời thường] Bài 1: Gần gũi, thánh thiện

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn chính bởi sự kết hợp hài hòa giữa dân tộc với quốc tế, giữa giai cấp với nhân loại, giữa truyền thống với hiện đại trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn vì hạnh phúc và sự hoàn thiện của con người. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2020), báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt ghi chép Văn hóa Hồ Chí Minh sáng mãi với đời thường.

Bài 1: Gần gũi, thánh thiện
Cụ Cao Thế Lữ (1924 - 2008) trong kháng chiến chống Pháp là Thư ký Công đoàn giáo dục Liên khu 4, ít năm sau là Phó Ty Giáo dục Nghệ An, Nghệ Tĩnh, nghỉ hưu làm Chủ tịch CLB Hán Nôm tỉnh Nghệ An. Cụ Lữ từng được Bác Hồ gửi thiếp mời dự tiệc tại Phủ Chủ tịch.
Sáng Chủ Nhật tháng 5 năm 2004 tôi đến nhà thấy cụ Lữ đang thư bút bài đầu và bài cuối tập "Ngục trung nhật ký" bằng Hán Nôm. Bên ấm trà thơm cụ kể:
"Sau chiến thắng Điện Biên 7/5/1954, Chính phủ, Bác Hồ rời "Thủ đô gió ngàn” về Hà Nội, ngày 1/1/1955 làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào. Hồi ấy mình (Cao Thế Lữ) là thành viên trong Đoàn chiến sĩ thi đua công nghiệp Liên khu 4 (được cấp cơ sở bầu chọn Chiến sĩ thi đua cấp Liên khu và toàn quốc). Đoàn chiến sĩ thi đua công nghiệp Liên khu 4 gồm 5 người. Trong đoàn còn có mẹ của Anh hùng Liệt sĩ Phan Đình Giót. Bà tuổi đã già, lưng đã còng, trên đầu bà đang trắng khăn tang người con liệt sĩ.
Đoàn được đón tiếp tại Trụ sở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phía trước ga Hàng Cỏ, hồi đó chưa có khách sạn hay nhà khách sang trọng như bây giờ. Tình cờ mình được Ban tổ chức sắp xếp nghỉ chung một phòng với bác sĩ Đặng Văn Ngữ - Chiến sĩ thi đua ngành công nghiệp. Hai anh em trên 2 chiếc giường đơn bằng gỗ tạp, nhưng rất vui vì sau 9 năm kháng Pháp, đúng dịp Tết Dương lịch hòa bình đầu tiên lại được về Thủ đô Hà Nội chuẩn bị gặp Bác Hồ.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 1/1/1955, mọi người được báo thức sớm, vào nhà ăn tập thể cơ quan Tổng Liên đoàn ăn sáng, chừng 5 giờ tất cả đã có mặt trên khán vườn hoa Ba Đình. Vì mới mờ sáng nên sương mai còn đọng trên bục xi măng, bác sĩ Đặng Văn Ngữ và mình dùng tờ báo cũ lót làm chỗ ngồi, nhìn ra phía trước thấy hàng vạn người đã tập trung thành hàng, thành lối chăm chú hướng lên khán đài chờ đón Bác. Trước thời khắc lịch sử này, trong tâm thức mình cũng như của hàng vạn người đang có mặt, hình dáng Bác hiện lên qua tranh ảnh qua những mẩu chuyện của những người từng gặp Bác kể lại mà thôi.
 
Lát sau thấy Bác đi nhanh dẫn đầu đoàn của Đảng, Chính phủ tiến ra lễ đài. Mình không nhớ lúc ấy là mấy giờ nữa, chỉ biết lâng lâng vui sướng khi thấy Bác ung dung nhanh nhẹn. Bác đọc diễn văn rất ngắn nêu ý nghĩa của Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội. Bác vừa dứt lời, tiếng vỗ tay của biển người ngỡ muốn nổ tung trời. Liền đó xuất hiện 2 chiếc xe mui trần từ từ lăn qua lễ đài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tướng Trần Văn Trà dẫn đầu cuộc duyệt binh.
Ngồi trên Lễ đài mình tranh thủ xem tấm thiếp của Bác Hồ ký mời dự tiệc, do Ban tổ chức đưa cho lúc trời chưa sáng - trước khi ra Quảng trường dự đại lễ. Tấm thiếp in trên giấy dày tráng nhũ ghi “Kính gửi đồng chí Cao Thế Lữ, chiến sĩ thi đua công nghiệp Liên Khu 4”, nội dung đến dự tiệc tại Phủ Chủ tịch vào lúc 14 giờ chiều ngày 1/1/1955, bên dưới có chữ ký của Bác Hồ.
Đầu giờ chiều đến cổng Phủ Chủ tịch thấy nhiều ô tô đỗ theo từng hàng. Bên trong khách khứa đã rất đông. Lần đầu trong đời mình được dự tiệc đứng. Ai cũng nóng lòng chờ Bác xuất hiện để được nhìn rõ Bác hơn. Sáng nay đã được nhìn thấy Bác, lúc này mình cảm nhận đang ngóng chờ một điều rất thánh thiện, rất tâm linh sắp xuất hiện. Bác da dẻ hồng hào bước vào khán phòng, cả ngàn người trong khán phòng cùng hướng về Bác. Bác mở đầu ngắn gọn đại ý là: Hôm nay vui mừng chiến thắng Điện Biên, mừng T.Ư Đảng, Chính phủ trở về Hà Nội, Bác mời mọi người có mặt cùng nhau nâng cốc.
Ngày 1/1/1955, Nhân dân Thủ đô mít tinh mừng đón Đảng, Chính phủ, Bác Hồ ra mắt.
Tất cả đồng loạt nâng cốc. Tay nâng cốc nhưng mắt mọi người đều chăm chăm hướng về Bác đang tươi cười vẫy tay với mọi người, vậy mà mình có cảm giác như đang chứng kiến một nhân vật đã tạo nên sức mạnh đoàn kết đầy uy lực, một chương sử hào hùng và đẫm chất huyền thoại của một dân tộc.
Tiệc đứng nên ai muốn đứng chỗ nào thì đứng, ai muốn ăn gì thì tự lấy. Chừng đã được khá lâu, bỗng nghe tiếng Bác:
- Bây giờ văn nghệ, cô chú nào xung phong?
Mình chú ý xem ai là người đầu tiên giơ tay, thấy ông Lê Văn Hiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Tài chính giơ tay. Bác chỉ tay bảo:
- Chú Hiến!

 Cụ Cao Thế Lữ (1924 - 2008)

Ông Hiến cất lên mấy câu hò Huế, nhưng hò không hay nên vừa hò vừa cười, Bác nói:
- Chú Hiến làm gì đấy?
Nói rồi Bác cầm lấy quả hồng trên bàn tiến đến gõ nhẹ vào trán ông Hiến:
- Chú hò không hay nhưng Bác vẫn tặng quả hồng.
Trước tình cảm thân thương gần gũi của Bác, cả hội trường rào rào tiếng vỗ tay. Từ giây phút ấy mình không chú ý văn nghệ nữa mà tập trung nghĩ ra cớ gì đó để được lại gần Bác, mình nói nhỏ vào tai mẹ Anh hùng Liệt sĩ Phan Đình Giót:
- Bây giờ con đưa mẹ lên gặp Bác Hồ.
- Ừ, mẹ rất muốn đến gần để được nhìn rõ Bác hơn, nhưng giữa đông người ra ri đi mần răng được?
- Con đi trước, mẹ cầm chặt tay con, con đi đến đâu mẹ cứ đi đến đó.
Thế rồi mình cầm chặt tay mẹ vừa rẽ đám đông vừa nói:
- Đề nghị các đồng chí nhường lối cho mẹ của đồng chí Phan Đình Giót lên gặp Bác Hồ.
Khi mình đưa mẹ đến phía sau ghế Bác ngồi, thấy Bác đang nói chuyện với Đại sứ Trung Quốc, chờ một lát mình lên tiếng:
- Dạ thưa Bác!
Bác liền ngoảnh lại đứng dậy, Người đặt một tay lên vai mình, tay kia đặt lên vai bà mẹ của Anh hùng Phan Đình Giót, lúc ấy mình cảm giác như đang đứng trên núi bông:
- Thưa Bác, đây là mẹ của Anh hùng Phan Đình Giót.
Bác trìu mến hỏi:
- Bà dạo này có khỏe không? Bà đi đường từ trong Nghệ An ra có mệt không?
Lắng nghe bà cụ trả lời, Người quay sang nói với mình:
- Bác rất bận không có thời gian săn sóc bà, các chú bố trí nơi ăn chốn nghỉ cho chu đáo, phải có trách nhiệm săn sóc bà từ khi đi cho đến khi về. Chú làm công tác gì?
- Dạ, cháu làm giáo dục ạ!
Bác tiếp:
- Các chú phải dạy cho tốt.
Về sau anh em trong Đoàn chiến sĩ thi đua công nghiệp Liên khu 4 trầm trồ "ông Lữ khôn thật, nghĩ ra cách để được suất ăn theo bà mẹ Anh hùng Phan Đình Giót”.
Sau mấy phút được gần Bác tâm trạng lâng lâng, đêm ấy trở về phòng nghỉ mình hỏi bác sĩ Đặng Văn Ngữ:
- Cảm giác của anh thế nào khi được gặp Bác?
Anh Ngữ cười:
- Ai mà nói được cảm giác khi được gặp Cụ Hồ thì chính người ấy chưa có điều kiện nhận thức về Cụ Hồ thật đầy đủ, thật sâu sắc.
Đã 49 năm kể từ Tết Dương lịch năm ấy đến khi kể cho tôi nghe ghi lại mẩu chuyện này, trong bộ nhớ của cụ Cao Thế Lữ tuổi 81 vẫn ngỡ như chuyện mới hôm qua hôm kia. Bác với ánh mắt nụ cười, phong thái tự tại ung dung gần gũi, đời thường. Chính sự gần gũi với mọi người và rất đời cả trong suy nghĩ, cả trong cách ứng xử đã tạo nên nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh thánh thiện, đời thường.
(Còn nữa)