Văn miếu Vĩnh Phúc – sự hồi sinh trong di sản văn hóa

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/8, tại Văn miếu Vĩnh Phúc, bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn miếu - Sự hồi sinh trong di sản văn hoá”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9.

Trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh quý về văn miếu

Ông Mai Văn Trung, Giám đốc bảo tàng Vĩnh Phúc cho biết, triển lãm nhằm giới thiệu hành trình của những nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Việt Nam và Viện Viễn Đông Bác cổ - Pháp đã có những đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn Văn miếu ở Hà Nội, văn miếu các tỉnh vùng ven đô, trong đó có Văn miếu Vĩnh Phúc, để di sản này có thể hồi sinh mạnh mẽ hơn, uy nghi hơn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Du khách tham quan được cung cấp các thông tin về quá trình hồi sinh các di sản văn miếu. Ảnh Sỹ Hào. 
Du khách tham quan được cung cấp các thông tin về quá trình hồi sinh các di sản văn miếu. Ảnh Sỹ Hào. 

Triễn lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật quý khai thác từ kho lưu giữ tư liệu của Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn miếu - Quốc Tử Giám; Viện Viễn Đông Bác cổ - Pháp; bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc; Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với đó là các hình ảnh được khai thác, sưu tầm tại các văn miếu: Mao Điền - Hải Dương, Xích Đằng - Hưng Yên và Văn miếu Bắc Ninh.

Du khách tham qua triển lãm trưng bày các hiện vật liên quan đến công tác bảo tồn trùng tu di sản tại Văn miếu Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 
Du khách tham qua triển lãm trưng bày các hiện vật liên quan đến công tác bảo tồn trùng tu di sản tại Văn miếu Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 

Các hình ảnh tư liệu, hiện vật trong triển lãm được trưng bày khoa học khách quan, thẩm mỹ, nhằm giới thiệu đến khách tham quan các nội dung liên quan đến công việc bảo tồn, trùng tu di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua các giai đoạn, cũng như giới thiệu về quá trình hồi sinh của một số văn miếu tiêu biểu tại các địa phương vùng ven Thủ đô Hà Nội, gồm: Văn miếu Mao điền - Hải Dương, Văn miếu Bắc Ninh, Văn miếu Xích Đằng - Hưng Yên và Văn miếu Vĩnh Phúc.

Phát huy thế mạnh của địa điểm “du lịch văn hóa”

Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Hải, Giám đốc Văn miếu Vĩnh Phúc cho biết thêm, trong suốt thời gian diễn ra triển lãm từ ngày 22/8 đến đầu tháng 9/2023 triển lãm sẽ giới thiệu thông tin các Nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Việt nam và của Viện Viễn Đông Bác cổ có sự đóng góp, vai trò quan trọng làm nên sự hồi sinh của Văn miếu - Quốc Tử Giám và bảo vệ di sản.

“Triển lãm cũng nhằm cho thấy các giá trị văn hóa - lịch sử, sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội mà hệ thống các Văn miếu đã và đang phát huy trong đời sống xã hội. Các văn miếu đang dần trở thành những địa điểm “du lịch văn hóa” thu hút du khách tại các địa phương.” – ông Lê Hải nói.

Du khách tham quan triển lãm được hiểu hơn về các phương pháp, phương tiện/công cụ phục vụ nghiên cứu; công việc nghiên cứu hiện nay và sự hỗ trợ của công nghệ 3D trong việc bảo vệ các di sản dễ bị tổn thương.

Được cung cấp thông tin về quá trình hình thành, phát triển; truyền thống khoa bảng hiếu học của người dân Vĩnh Phúc thể hiện qua các văn chỉ, văn từ; đền thờ một số danh nhân khoa bảng, nhà thờ dòng họ khoa bảng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, vinh danh truyền thống hiếu học tại Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhân dịp này, bảo tàng Vĩnh Phúc cũng tổ chức giới thiệu và kích hoạt ứng dụng thuyết minh tự động tại Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động Văn miếu tỉnh. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ, giới thiệu quảng bá Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc tới công chúng.

Du khách tải phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để tham khảo các thông tin về Văn miếu Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 
Du khách tải phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để tham khảo các thông tin về Văn miếu Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 

Cụ thể, bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ, quản lý phần mềm ứng dụng thông minh “63Stravel” đăng tải các nội dung thuyết minh - giới thiệu và hình ảnh lên nền tảng ứng dụng.

Từ đó tạo lập các mã QR để du khách có thể sử dụng các thiết bị thông minh, truy cập vào ứng dụng hoặc quét mã QR tại chỗ để nghe thuyết minh tự động về không gian kiến trúc Văn miếu Vĩnh Phúc (Đại thành môn; Lầu chuông, gác Trống; Nhà tả vu, hữu vu; Sân hành lễ và Khu nhà thờ chính) và thân thế sự nghiệp của các vị tiến sĩ khắc trên 18 bia đá, trong 2 dãy nhà bia tại văn miếu…

Nội dung giới thiệu bằng 5 thứ tiếng: Việt, Trung, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản kèm theo hình ảnh minh họa trực quan sinh động về Văn miếu, để du khách dễ dàng lựa chọn tiếp cận và hình dung.