Vạn Phúc giữ thương hiệu bằng chất lượng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau vụ gian lận của Khaisilk, khách hàng đến tham quan và mua sắm ở làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) ngày một đông hơn. Giám đốc HTX Dệt lụa Vạn Phúc Nguyễn Văn Hùng khẳng định, người Vạn Phúc đang giữ thương hiệu lụa của làng bằng chất lượng.

Lượng khách đến tăng

Xưởng dệt lụa của gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão có hàng chục cỗ máy dệt thủ công tuổi đời vài chục đến hàng trăm năm. Trong xưởng, 3 chiếc máy dệt đang đều đều "kéo tơ, nhả lụa", cho ra những mét lụa trắng ngà với hoa văn cổ thật độc đáo. Bà Nguyễn Thị Tâm – chủ cửa hàng lụa Triệu Văn Mão chia sẻ, nghề dệt lụa của gia đình đã có từ nhiều năm nay. Bố bà là nghệ nhân Triệu Văn Mão đã mất, nhưng gia đình vẫn giữ tên cụ cho xưởng dệt để con cháu luôn nhớ đến và tâm niệm giữ nghề.

Gia đình bà Brisse Florence thích thú khi được chạm tay vào những mảnh lụa mềm mại. Ảnh: Thủy Trúc

Bà Tâm cũng thành thật, sau vụ bê bối Khaisilk bán lụa Trung Quốc, gắn mác “Made in Viet nam”, nhiều khách mua hàng tỏ ý nghi ngờ. "Nhưng nghe giải thích, tận mắt chứng kiến các máy dệt đang hoạt động và tất cả những sản phẩm được bày bán ghi rõ nguồn gốc, chất lượng, giá cả, khách lại yên tâm mua hàng” - bà Tâm bày tỏ. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Dệt lụa Vạn Phúc cho biết, những ngày này, số khách đến làng lụa tăng lên. Cả làng có 100 hộ làm nghề dệt, mỗi năm sản xuất từ 1,5 – 1,7 triệu mét vải lụa. Lụa Vạn Phúc đa phần dệt thủ công nên có hoa văn nổi khác hẳn những sản phẩm dệt công nghiệp. Sản phẩm cũng đa dạng với lụa hoa, satin, đũi, phù hợp với thị hiếu khách hàng, nhưng chỉ đủ bán tại chỗ. Từ năm 2004, thương hiệu lụa Vạn Phúc đã được đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ. Nhưng việc duy trì và phát triển thương hiệu không đơn giản, dù người Vạn Phúc luôn tâm niệm lấy chất lượng làm đầu.

Công khai xuất xứ

Đến thăm xưởng dệt lụa rộng 180m2 của nghệ nhân Đỗ Văn Hiển, 15 chiếc máy dệt đang chạy hết công suất, mỗi ngày một máy dệt được 150m lụa. Ngoài việc điều hành xưởng dệt, anh Hiển còn đảm nhiệm việc thiết kế mẫu hoa văn và thương hiệu trên mép biên mảnh lụa cho các hộ gia đình. “Hiện nay, hơn hai chục hộ sản xuất đã dệt tên “Lụa Hà Đông” và thương hiệu của gia đình vào mép biên vải. Đây là cách để khách hàng phân biệt lụa nhà này với nhà khác” – anh Hiển cho biết.

Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, người giữ thương hiệu càng thêm phần mệt mỏi khi lụa Trung Quốc trà trộn vào lụa truyền thống, trốn thuế nên được bán với giá thành thấp. Thế nên, cùng với vận động các hộ gia đình dệt tên nhà mình vào biên vải (được hỗ trợ 10% kinh phí), HXT Dệt lụa Vạn Phúc khuyến khích việc bán hàng ghi rõ nguồn gốc, chất lượng, giá bán. Giám đốc Nguyễn Văn Hùng thông tin thêm: “Để giữ thương hiệu, thì chất lượng sản phẩm phải tốt. Vì thế, chúng tôi khuyên bà con nếu nhập thì chỉ nhập nguyên liệu ở Vĩnh Phúc và vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) – nơi có khí hậu tốt nên chất lượng tơ tốt. Trên sản phẩm phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Cách đây vài ngày, Sở Công Thương đã về làng lụa Vạn Phúc mở lớp tuyên truyền về kinh doanh thương mại, cách đăng ký thành lập DN để giúp người dân phát triển thương hiệu. Làng lụa Vạn Phúc cũng được tạo điều kiện mở rộng khu vực để người dân sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một yếu tố góp phần để 500 – 700 người dân trong làng có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Bởi khi ổn định cuộc sống, người dân mới có thể yên tâm sống và giữ nghề.

Tôi rất ngạc nhiên và bất ngờ khi thăm xưởng dệt lụa của nghệ nhân Triệu Văn Mão với những cỗ máy rất thô sơ nhưng lại dệt ra những mảnh lụa rất đẹp. Những làng nghề như thế này nên được giữ gìn, phát huy để những khách du lịch có cơ hội đến trải nghiệm, mua sắm.

Brisse Florence,  du khách đến từ Pháp