Vàng được săn đón sau xung đột giữa Israel và Hamas

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rủi ro địa chính trị gia tăng, đặc biệt với căng thẳng Israel-Palestine ở dải Gaza gần đây, có thể dẫn đến việc mua vào các tài sản như vàng và đồng USD.

Leo thang căng thẳng tại dải Gaza có thể sẽ thúc đẩy làn sóng trên thị trường chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn. Các nhà đầu tư trên toàn cầu đang theo dõi chặt các diễn biến ở Trung Đông để đánh giá rủi ro địa chính trị đối với thị trường.

Hôm 7/10, các tay súng thuộc phiến quân Hamas đã triển khai một cuộc tấn công với quy mô chưa từng có vào Israel. Các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã lên án vụ tấn công và cam kết hỗ trợ Israel.

Hệ thống chống tên lửa Iron Dome của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza, miền nam Israel. Ảnh: Reuters
Hệ thống chống tên lửa Iron Dome của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza, miền nam Israel. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích cho biết, rủi ro địa chính trị gia tăng có thể làm tăng động thái mua vào các tài sản như vàng và đồng USD, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với trái phiếu Mỹ, vốn đang bị bán tháo mạnh mẽ. 

Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng thị trường tại Spartan Capital Securities, cho biết: “Đây là một ví dụ điển hình về lý do tại sao mọi người cần vàng trong danh mục đầu tư của họ. Đó là hàng rào hoàn hảo trong bối cảnh tình hình quốc tế hỗn loạn”.

“Bất cứ khi nào có diễn biến bất ổn quốc tế, đồng USD sẽ mạnh lên”, chuyên gia cho biết thêm. 

Thị trường đã có phản ứng trước kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu cũng tăng vọt trong khi đồng USD liên tục tăng.

Bên cạnh đó, chứng khoán sụt giảm mạnh trong quý III nhưng đã ổn định vào phiên giao dịch tuần trước. Theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda ở New York: “Có vẻ như Phố Wall gặp phải rủi ro địa chính trị mới sau khi Israel tuyên chiến với Hamas”.

Các nhà phân tích tập trung vào tác động lên giá năng lượng khi cố gắng đánh giá những tác động lan tỏa.

Brian Jacobsen, nhà kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management, cho biết: “Đây có phải là thời điểm bước ngoặt hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến [ở Israel] kéo dài bao lâu, và liệu những bên khác có bị cuốn vào cuộc xung đột hay không”. Chuyên gia Jacobsen cũng đặt ra nghi ngại về tác động của cuộc xung đột đến giá dầu mặc dù Iran đang tăng sản lượng.

Cuộc tấn công của Hamas đã được Iran và Hezbollah, đồng minh Lebanon của Iran, công khai ủng hộ. 

Chuyên gia Jacobsen nhận định: “Sản lượng dầu của Iran đang tăng lên, nhưng bất kỳ tiến bộ nào họ đạt được sau hậu trường với Mỹ sẽ bị hủy hoại đáng kể, với việc Tehran công khai ủng hộ chiến dịch của Hamas”. 

Chuyên gia này lưu ý cần theo dõi phản ứng của Ả Rập Saudi trong thời gian tới. Washington đang cố gắng đạt được một thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi.

David Kotok, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors ở Sarasota, Florida, cho biết tình hình đang trở nên đáng lo ngại khi nước Mỹ đang có những vấn đề nội tại. Đảng Cộng hòa đang tìm kiếm người kế nhiệm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy mới rời nhiệm sở, trong khi một cuộc tranh luận về ngân sách sắp xảy ra.

Giám đốc đầu tư Kotok chia sẻ: “Tôi rất lo lắng về khả năng xảy ra các cuộc khủng hoảng lớn hơn, đòi hỏi sự can thiệp quyết đoán của Mỹ, nhưng tình hình không mấy khả thi khi nội bộ Washington đang có những rối ren nhất định."