Vàng lại đảo chiều đi xuống, diễn biến mới trên thị trường tiền tệ

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay (24/7), giá vàng trong nước và quốc tế lại đảo chiều đi xuống chỉ sau 2 phiên bật tăng do căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Động thái nới lỏng tiền tệ và bác bỏ những cáo buộc của Bắc Kinh khi ông Trump cho rằng Trung Quốc đang thao túng tiền tệ đã khiến vàng đi xuống.

Sau khi Mỹ công bố áp thuế cao lên gần như 100% số mặt hàng của Trung Quốc nhập vào nước này với trị giá 500 tỷ USD và ông Trump cáo buộc Bắc Kinh đang thao túng tiền tệ thì vàng đã đảo chiều đi lên 2 phiên liền.
Trước những thông tin trên, ngày 23/7 Trung Quốc bác bỏ thông tin Mỹ cáo buộc nước này thao túng tiền tệ. Đồng thời với đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm 74,3 tỷ USD vào thị trường thông qua việc cho vay trung hạn. Đây là động thái nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh thông qua cho vay kích thích đầu tư trung hạn đối với các DN trong điều kiện nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và hỗ trợ các đơn vị chuyển địa điểm đầu tư tránh rủi ro do Mỹ áp thuế cao.
Sau khi Trung Quốc có chính sách nới lỏng tiền tệ, dù đồng USD không tăng nhưng khi nhân dân tệ được đẩy mạnh lượng vào thị trường sẽ làm giá trị giảm thêm so với USD và vàng sẽ chịu áp lực.
 Giá vàng thế giới và trong nước quay đầu giảm sau khi Trung Quốc bơm tiền vào thị trường. Ảnh minh họa.

Đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đứng ở mức 1.224 USD/oz, giảm 6 USD so với chốt phiên trước.
Lúc 8 giờ 30 sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh mức 1.221 USD/oz giảm hơn 12 USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và giảm thêm hơn 3 USD so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.
Cùng chiều với đó, sáng nay giá vàng trong nước cũng quay đầu giảm ngay khi mở cửa phiên. Cụ thể, mở cửa phiên lúc 8 giờ 30 giá vàng SJC giao dịch trên thị trường tự do mua - bán tại TP Hồ Chí Minh quanh mức 36,68 – 36,86 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC giao dịch trên thị trường tự do mua - bán ở Hà Nội quanh mức 36,68 – 36,88 triệu đồng một lượng. Các thị trường trên đều giảm 40.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Cùng thời điểm trên, Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán vàng SJC mở cửa tuần ở mức 36,72 - 36,82 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Giá vàng SJC được Công ty Phú Quý niêm yết ở mức 36,72 - 36,82 triệu đồng/lượng, cũng giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Vàng nhẫn sáng nay các DN không điều chỉnh giá so với chốt phiên trước. Cụ thể, nhẫn vàng Rồng Thăng Long được Bảo Tín Minh Châu niêm yết mua - bán ở mức 35,19 - 35,64 triệu đồng/lượng, ngang giá so với chốt phiên trước, chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán của công ty này là 450.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Phú Quý 24K hôm nay được Công ty Phú Quý niêm yết mua – bán ở mức 35 -35,4 triệu đồng/lượng, ngang giá so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán của đơn vị này 400.000 đồng/lượng.
Theo giới phân tích, đồng USD vẫn ở mức giá cao, riêng quý 2 chỉ số đo lường đồng bạc xanh đã tăng 7% khi chính sách lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được đưa ra là tiếp tục thắt chặt. Trong ngắn hạn sẽ gây áp lực lên giá vàng.
Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ lại giảm mạnh, thêm vào đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại bơm thêm tiền vào thị trường. ĐIều này các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang sử dụng các chính sách tiền tệ để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và lé tránh sự áp thuế của Mỹ lên các mặt hàng. Điễn này sẽ khiến thị trường nảy sinh những diễn biến mới. Cụ thể, nếu Mỹ vẫn lún sâu vào việc cắt giảm thuế trong nước và áp thuế cao lên các mặt hàng hóa của đối tác nước ngoài, tăng lãi suất thì người Mỹ phải chịu chi tiêu cao, mức thâm hụt ngân sách vẫn diễn ra do chi tiêu và cắt giảm thuế. Điều này sẽ hỗ trợ vàng đi lên khi nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào khủng hoảng.
Ngược lại, Trung Quốc sẽ tìm kiếm hướng đầu tư mới, thị trường mới để duy trì nền kinh tế tăng trưởng bền vững và đồng nội tệ thấp hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào quốc gia này tạo sản phẩm không mang thương hiệu China. Cuộc chiến thương mại còn có thể đẩy lên thành cuộc chiến tiền tệ khi một số quốc gia duy trì lãi suất thấp trái ngược với Mỹ khiến cho hàng hóa tiêu dùng ở một số khu vực, quốc gia không đúng với giá trị thực của chúng. Nhưng cách làm này của Trung Quốc có thể về lâu dài sẽ làm thay đổi chính sách của Mỹ, cuộc chiến thương mại vì thế dịu đi thì vàng tiếp tục đi xuống.
Những phân tích trên đã có ảnh hưởng lên giá vàng, cũng có nội dung chưa tác động ngay đến giá vàng nhưng đó là góc nhìn để nhà đầu tư phân tích thiệt hơn khi đầu tư vào vàng thời điểm nào hợp lý nhất.