Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vang mãi bản hùng ca bất diệt - Bài 2: Nhớ những ngày khói lửa hào hùng

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Năm nay mới… 93 tuổi, Tết này 94 tuổi" - Đại tá Nguyễn Mạnh Hải - nguyên chiến sỹ Vệ quốc đoàn trong trận chiến 60 ngày đêm lịch sử năm xưa, dí dỏm nói với chúng tôi như vậy.

Chẳng thế mà ký ức oanh liệt 70 năm về trước vẫn rõ mồn một, đầy cảm xúc trong ông.
Mỗi người dân là một chiến sỹ
Đại tá Nguyễn Mạnh Hải cho biết, ông tham gia Vệ quốc đoàn, tòng quân đầu tháng 3/1946, lúc tuổi thanh xuân đang phơi phới. Ông được bố trí ở Đại đội 2, sau thành lập Trung đoàn Thủ đô là Tiểu đoàn 3, có nhiệm vụ gác ở Bắc Bộ Phủ. Giọng sang sảng, ông kể: “Tình hình mấy ngày trước đó căng thẳng lắm rồi, quân Pháp liên tục khiêu khích, sát hại dân lành. Uất ức, căm phẫn nhưng vẫn phải nén nhịn để chờ chỉ đạo của cấp trên. Biết rằng sẽ đến lúc phải đối diện với quân thù, nên ngay từ trước, Đại đội của tôi đã đục lỗ sẵn trên các thân cây để nhét thuốc nổ. Phát hiện ra, địch lấy đất bịt lại, đến tối ta lại moi ra. Rồi giờ phút đợi mong cũng đến khi nhận được mật lệnh tối 19/12 quân ta sẽ tấn công. Hồi hộp, xúc động lắm. Qua 20 giờ tối, pháo từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh rầm rập nã vào các căn cứ của địch ở nội thành. Chúng tôi cũng nhất tề nổ súng vào các bốt địch, cực kỳ căng thẳng, ác liệt. Trong tay tôi lúc đó chỉ có khẩu khai hậu, lắp đạn bắn phát một, xung quanh súng đạn nổ ầm ầm, vậy mà chẳng hề run sợ chút nào”. 

Cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946. Ảnh:TƯ LIỆU

Lúc ấy, mỗi nhà thành một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến, mỗi người dân đều là chiến sỹ. Các ngôi nhà được đục tường thông nhau tạo thành một đường hầm xuyên suốt chạy dọc các phố để đánh địch. “Rồi bọn Tây phát hiện ra, có thằng còn chui qua lỗ định đuổi theo. Nhưng do quân mình người nhỏ, các lỗ được đục vừa với người nên Tây chui qua một nửa rồi mắc lại, cứ kêu oai oái” - ông Hải cười sảng khoái. Quân Pháp đi càn ngoài đường, ta bắn tỉa, ném lựu đạn từ trên nóc nhà xuống, từ các ô cửa sổ ra. Các nữ cảm tử quân như con thoi luồn lách từ nhà này sang nhà khác, tiếp viện từng miếng cơm nắm độn ngô hạt, từng giọt nước, chăn màn mùa Đông, cấp cứu chiến sĩ bị thương.
Cũng qua tuổi “xưa nay hiếm” từ rất lâu như Đại tá Nguyễn Mạnh Hải, với Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (quyết tử quân Hà Nội, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô), những khoảnh khắc ngày nào vẫn còn nguyên vẹn. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm kể: Ngay sau tiếng súng đầu tiên tấn công quân Pháp, từ ngày 20 -24/12/1946, địch phản công ác liệt, nhưng bị quân ta phục kích và tiêu hao rất nhiều lực lượng. Các chiến sĩ tự vệ có sáng kiến thành lập nhóm “bắn tỉa săn Tây”, tận dụng đạn moóc - chi - ê của địch bắn không nổ, khoan thân đạn để đặt kíp nổ và dây cháy chậm, dùng đốt tấn công các điểm chốt giữ của địch. Để tiết kiệm đạn dược của ta và tiêu hao đạn dược của địch, các chiến sĩ đã dựng pháo ném, pháo đùng thay tiếng nổ lựu đạn hoặc cho các bánh pháo vào thùng sắt tây đốt giả tiếng súng liên thanh. Mỗi lần như thế địch bắn trọng liên như đổ đạn nhưng chẳng sát thương được chiến sĩ nào.
Một kỷ niệm trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội mà Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ mãi, đó là buổi lễ thề quyết tử. Ông kể: "Một hôm, đồng chí Lê Trung Toản - Chính ủy Trung đoàn tập trung các cán bộ trung đội, đại đội đến Nhà in Báo Lao Động (ở 51 phố Hàng Bồ) đọc thư của Bác giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Thủ Đô: “... Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh...”.
Một tuần sau, ngày 14/1/1947, buổi lễ thề quyết tử thực hiện nhiệm vụ Bác giao được tổ chức tại Rạp Tố Như (ở 72 phố Hàng Bạc). Trong ánh nến, không khí thiêng liêng, ai nấy đều xúc động. Đồng chí Vũ Lăng, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103 (sau này là Thượng tướng) thay mặt Trung đoàn đọc thư Bác, anh em đồng thanh hô: “Xin thề!". Ai cũng cảm thấy vinh dự khi được Bác giao nhiệm vụ và sẵn sàng hy sinh. Lời Bác gọi chúng tôi là “các em” vô cùng thân thương, trìu mến, khiến mọi người xúc động, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Vẫn sống chết với Thủ đô
Sau trận đánh ở khu Đồng Xuân, địa bàn chiến đấu của Liên khu I thu hẹp nhiều. Lương thực chỉ còn ăn được 5 ngày, mỗi khẩu súng còn trung bình 20 viên đạn. Trung đoàn Thủ đô vẫn vững vàng quyết tử bám trụ, củng cố công sự, trận địa và đề nghị tiếp tế gấp đạn súng trường và gạo, bên ngoài đánh mạnh để kiềm chế quân địch... Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện ra lệnh cho Trung đoàn Thủ đô rút vào đêm 17/2/1947, đồng thời chuyển lời khen ngợi của Bác Hồ: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”. Bộ chỉ huy quyết định đưa Trung đoàn Thủ đô ra ngoại thành Hà Nội để bảo toàn lực lượng cho kháng chiến lâu dài.
Đại tá Nguyễn Mạnh Hải nhớ lại: Chiều 17/2, chúng tôi được lệnh ăn cơm trước 4 giờ chiều, sau đó mỗi người mang theo một ruột tượng đựng gạo, bộ quần áo, cây cờ để làm hiệu và một tấm phù hiệu. Đến tối, tất cả tập trung ở đền Phát Lộc, rồi ra lặng lẽ di chuyển đến cột Đồng hồ. Đêm ấy không mưa nhưng gió rét căm căm, cả đoàn người im phăng phắc, vì đồn địch đóng ngay gần đấy. Vượt qua đê ra ngoài bãi, đi sát mép nước sông. Trên cầu lính Pháp đi tuần, đèn pha quét loang loáng, đoàn người dưới gầm cầu buộc dây thừng vào tay nhau, thấy di chuyển được thì người đi trước giật dây, cứ thế tiến trong đêm đen không một tiếng động. Trên cầu lính vẫn gác, soi đèn pin mà không phát hiện ra. Đi quá cầu Long Biên một quãng xa rồi lội qua rạch để lội sang bãi giữa rồi đi thuyền sang bãi Tứ Tổng rồi hôm sau mới sang sông.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm kể thêm một câu chuyện đầy xúc động. Đó là để khắc phục tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, đồng thời bảo toàn lực lượng, Trung đoàn Thủ đô được giao nhiệm vụ chỉ để lại 500 người phòng thủ ở nội thành, còn lại phải rút ra ngoài. Vậy nhưng điểm lại quân số sau khi một lực lượng rút đi thì thấy vẫn còn 1.200 người, do nhiều người tự động trốn ở lại để được tiếp tục chiến đấu, quyết không rời trận tuyến. Đây là minh chứng không thể sinh động hơn về tinh thần “sống chết với Thủ đô” của quân và dân ta.
Sáng 13/12, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đã đi thăm, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016).
Phó Bí thư Thành ủy đã đến thăm, chúc sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hòa (97 tuổi), đang cư trú tại phường Cổ Nhuế 2; thăm thương binh hạng 3/4 Lê Xuân Quyền (95 tuổi), hiện đang cư trú tại phường Phúc Diễn. Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thành ủy trân trọng cảm ơn những đóng góp, cống hiến của Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bình, gia đình cách mạng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Phó Bí thư Thành ủy căn dặn chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất cũng như tinh thần cho các gia đình có công để các cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa luôn vui khỏe, trường thọ, tiếp tục là điểm tựa, là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân học tập, noi theo.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng cho biết, trong những năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa. Vừa qua, TP đã triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 7.798 hộ gia đình người có công với tổng kinh phí gần 379 tỷ đồng từ ngân sách và sự hỗ trợ của cộng đồng DN, các nhà hảo tâm. TP phấn đấu đến ngày 27/7/2017, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ sẽ hoàn thành toàn bộ kế hoạch sửa chữa, xây dựng mới nhà cho toàn bộ các hộ gia đình người có công với cách mạng… (Trần Thảo)
(Còn nữa)