VĐV Bi sắt khen ngợi tinh thần fair play của người hâm mộ Hà Nội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/5, ĐT bi sắt Việt Nam không giành được HCV, nhưng thay vào đó, nhiều đoàn thể thao Đông Nam Á đánh giá cao tinh thần “fair play” của các VĐV Việt Nam, giành nhiều lời khen cho công tác tổ chức, cơ sở vật chất của Trung tâm HL&TĐTDTT Hà Nội.

Thi đấu kịch tính, cổ vũ nhiệt tình

Chiều ngày 17/5 tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn ra vòng chung kết môn bi sắt ở 2 nội dung: Đôi hỗn hợp (1 nam, 1 nữ) và bộ ba hỗn hợp (2 nữ, 1 nam). Các nước tham dự ngày thi hôm nay có Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Myanmar.

Khu vực thi đấu của các VĐV bi sắt tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội .
Khu vực thi đấu của các VĐV bi sắt tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội .

Trận chung kết đã diễn ra vô cùng căng thẳng khi cả hai đều cẩn trọng ở từng cú ném bi. Tuy nhiên, cặp tuyển thủ Vorng Chanatha và Vong Sin đã thể hiện xuất sắc hơn ở lượt trận cuối cùng, từ đó giành chiến thắng trước tuyển Việt Nam với tỷ số 13-4. Đây cũng là HCV đầu tiên của Campuchia ở bộ môn bi sắt.

2 VĐV của Campuchia thi đấu xuất sắc, giành HCV.
2 VĐV của Campuchia thi đấu xuất sắc, giành HCV.

Ở sân bên cạnh, trận chung kết bộ ba hỗn hợp là sự đối đầu giữa Thái Lan và Lào. Với tỷ số suýt soát 13/8, đội tuyển Thái Lan đã chiến thắng và giành huy chương vàng.

Sau trận đấu, trao đổi với phóng viên KT&ĐT, VĐV Vorng Chanatha chia sẻ: “Khi gặp đội tuyển Việt Nam tại trận chung kết, cả đội đã lo lắng bởi tuyển thủ Nguyễn Văn Quang là một tay ném mạnh khi gặp ở vòng bảng. Tuy nhiên, với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, chúng tôi đã chơi hết sức mình và có một kết quả xứng đáng.”

VĐV Vorng Chanatha của Campuchia.
VĐV Vorng Chanatha của Campuchia.

Bên cạnh đó, Vorng Chanatha chia sẻ: Trong những trận thi đấu đã qua, trọng tài thực hiện rất quy củ, theo đúng luật và công tâm”. Chia sẻ của đại diễn Campuchia cũng là tâm tư của đại diện đoàn bi sắt Thái Lan.

Đại diện Đoàn Bi sắt Thái Lan và các VĐV giành HCV nội dung bộ ba hỗn hợp chia sẻ với phóng viên KT&ĐT.
Đại diện Đoàn Bi sắt Thái Lan và các VĐV giành HCV nội dung bộ ba hỗn hợp chia sẻ với phóng viên KT&ĐT.

Trao đổi với phóng viên KT&ĐT đại diện đoàn bi sắt Thái Lan chia sẻ: “Ở một số giải bi sắt trước đây, khi thi đấu trên sân, chúng tôi thường thấy việc các VĐV vô tình giẫm lên bóng hoặc làm thay đổi khu vực xung quanh thi đấu. Hôm nay trận đấu giữa Thái Lan và Lào diễn ra rất công bằng. Đồng thời, cách cổ vũ của khán giả Việt Nam rất tuyệt. Khán giả rất sôi nổi và năng động”.

Sân thi đấu hiện đại

Sau khi giành HCV nội dung hỗ hợp nam nữ, VĐV Chantha Vorng chia sẻ, bề mặt thi đấu của sân khá cứng. Tuy nhiên, đại diện bi sắt Campuchia, Thái Lan, Myanmar đều chung nhận định rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến thi đấu.

Các trọng tài quốc tế làm nhiệm vụ.
Các trọng tài quốc tế làm nhiệm vụ.

Mặt khác, các đoàn thể thao đều đánh giá về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội hiện đại và đáp ứng tốt điều kiện thi đấu, tập luyện cho các VĐV.

Ông Đặng Xuân Vui, Trưởng bộ môn Bi sắt cho biết: “Trước khi bắt đầu được cải tạo từ giữa năm 2021, Khu tập luyện và thi đấu bi sắt đã có hệ thống sân được đánh giá đạt chuẩn quốc tế. Thế nhưng, để phục vụ tốt nhất cho các trận đấu tại SEA Games 31, nơi đây đã được cải tạo mặt sân, khuôn viên, thay mái sân, lắp đặt cửa ra vào cùng hệ thống hàng rào".

Khán giả cổ vũ các VĐV thi đấu.
Khán giả cổ vũ các VĐV thi đấu.

Theo ghi nhận của phóng viên, hệ thống mặt sân được trải lớp đá mới mịn hơn, hệ thống mái sân được làm mới cùng với dàn đèn bảo đảm đủ ánh sáng khi thi đấu vào buổi tối. Với những hạng mục được đầu tư, nơi đây đã bảo đảm yêu cầu tổ chức các giải đấu bi sắt quốc tế có chất lượng cao.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Trưởng ban tổ chức thi đấu môn bi sắt SEA Games 31 Phạm Thị Mỹ Hoa trao huy chương cho VĐV.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Trưởng ban tổ chức thi đấu môn bi sắt SEA Games 31 Phạm Thị Mỹ Hoa trao huy chương cho VĐV.

Trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát  công tác chuẩn bị thi đấu môn bi sắt tại SEA Games 31 nhiều ngày trước khi diễn ra,  Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Trưởng ban tổ chức thi đấu môn bi sắt SEA Games 31 Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết: “Các đoàn VĐV khi tham gia tập luyện, thi đấu đều đánh giá cao công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, địa điểm thi đấu và trang trí tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội. So với những môn thể thao khác, công tác đầu tư cho bi sắt còn hạn chế. Dẫu vậy, bỏ lại những khó khăn, đội tuyển bi sắt Việt Nam vẫn nỗ lực hết mình trong tập luyện, thi đấu. Đến nay, đội tuyển bi sắt Việt Nam giành được tổng cộng 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng. Chiều 19/5, đội tuyển bi sắt Việt Nam sẽ tiếp tục có một buổi thi đấu quan trọng. Các HLV, VĐV sẽ nỗ lực hết mình để giành huy chương, đóng góp chung vào thành tích của đoàn thể thao Việt Nam”.

Thời gian qua, việc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội được đầu tư nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đội tuyển bi sắt Việt Nam. Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bi sắt Việt Nam Lâm Khải Vinh nhận định: “Việc được tập luyện trên sân thi đấu của SEA Games 31 sẽ hỗ trợ rất nhiều về chuyên môn, tâm lý cho các tuyển thủ. Ở góc độ địa phương, chúng tôi thực sự mừng cho các đồng nghiệp ở Hà Nội đã có cơ ngơi khang trang, hiện đại về môn bi sắt”.

Trước SEA Games 31 toàn đội tập với khối lượng 6 tiếng mỗi ngày, được chia đều vào hai buổi sáng và chiều. Gần ngày thi đấu, đội tuyển bi sắt sẽ có lịch tập luyện giống với khung giờ thi đấu nhằm thích nghi.

Tại SEA Games 31, đội tuyển bi sắt Việt Nam có 19 vận động viên và 3 huấn luyện viên, được tập luyện tập trung từ ngày 11/3/2022 để chuẩn bị cho SEA Game 31. Đội sẽ tham dự 8 nội dung, gồm: Kỹ thuật nam/nữ, đôi nam/nữ, đôi nam - nữ phối hợp, bộ ba nam, bộ ba nữ, bộ ba 2 nữ - 1 nam. Mục tiêu của bi sắt Việt Nam là giành từ 1 đến 2 HCV.

 

Môn Bi sắt có xuất xứ từ châu Âu và lần đầu xuất hiện ở SEA Games 21 vào năm 2001 tại Malaysia. Bi sắt phát triển tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, được chơi và đẩy mạnh nhờ phong trào tại miền Nam và các tỉnh miền Tây. Sau năm 2007, môn thể thao bắt được phát triển mạnh hơn ở phía Bắc và dần dần được quy hoạch và đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Người đầu tiên quyết định phát triển môn bi sắt là cố Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang. Hiện tại, môn thi đấu chỉ có hai giải đấu cao nhất trong năm gồm giải vô địch quốc gia và vô địch các câu lạc bộ.