Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vi phạm đất rừng tại huyện Sóc Sơn: Vụ việc phức tạp, cơ sở xử lý thiếu quyết liệt

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khoảng 130 hộ dân thuộc các xã ven sông của huyện Sóc Sơn đã di dời về vùng đồi gò thuộc thôn Minh Tân (xã Minh Trí) để xây dựng vùng kinh tế mới.

Cũng kể từ đó, hoạt động chuyển nhượng, xây dựng do người dân nơi đây thực hiện diễn ra rất phức tạp. Không riêng ở xã Minh Trí, vi phạm đất rừng còn lan rộng ra xã Minh Phú.
 Một công trình xây dựng vi phạm đất rừng phòng hộ tại xã Minh Trí. Ảnh: Lâm Nguyễn
Những vi phạm đất rừng diễn ra chủ yếu tại khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và thôn Lâm Trường (xã Minh Phú). Tại hai khu vực trên, hàng trăm công trình, bao gồm cả những tổ hợp xây dựng lớn được mọc lên trong nhiều năm qua trên tổng diện tích ước tính khoảng 11ha. Các vi phạm đều là do người dân tự ý chuyển nhượng cho các chủ đầu tư, trên cơ sở xác nhận của chính quyền xã.

Thống kê mới nhất của UBND huyện Sóc Sơn cho thấy, tại thôn Minh Tân (xã Minh Trí) và thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) hiện có tổng số 45 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Toàn bộ những vi phạm này đều diễn ra trên khu vực đất nằm chồng lấn với Quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 11/6/1998.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, do chồng lấn quy hoạch theo Quyết định 2234 của UBND TP Hà Nội nên toàn bộ các hộ dân thôn Minh Tân (xã Minh Trí) đều chưa được cấp sổ đỏ. Do đó, việc tự ý chuyển nhượng đất rừng của các hộ là sai. Trong những sai phạm này, UBND các xã có trách nhiệm rất lớn khi không kiểm tra, giám sát mà vẫn ký các quyết định cho phép chuyển nhượng.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS Đặng Hùng Võ cho biết: Câu chuyện sai phạm trong quản lý đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn đã được chỉ ra từ 2008, năm 2013 Thanh tra TP Hà Nội đã tiếp tục nhắc lại một lần. Cái sai thứ nhất là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mặc dù đã được cấp sổ đỏ từ đất rừng Lâm trường giao cho hộ gia đình cá nhân đang sinh sống ở trong rừng. Vào năm 2001, lúc đó việc chuyển nhượng đất rừng là không đúng pháp luật, chứ không nói chuyện có sang tên hay không sang tên. Bởi hồi đó pháp luật chưa quy định đất rừng được phép chuyển nhượng, thậm chí đến nay, Luật Lâm Nghiệp ban hành năm 2017 cũng không cho phép chuyển nhượng.

Để chuyển nhượng được UBND cấp tỉnh phải quy hoạch lại đất ở tại nơi cán bộ, công nhân viên của Lâm trường được giao đất vườn và cộng với một phần đất ở trong đó, phải quy hoạch lại đâu là đất ở, đâu là đất vườn, hình thành khu dân cư như thế nào và chuyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra sao… bấy giờ mới được chuyển nhượng. Đối với người dân được giao đất rừng phòng hộ, ở những khu được giao cũng chỉ được chuyển nhượng cho người dân cùng xã chứ không được chuyển nhượng ra ngoài. Trong khi đó, việc chuyện nhượng ở Sóc Sơn lại không đúng đối tượng, đây là cái sai thứ 2. (Thương Huế ghi)
Trước diễn biến trên, UBND huyện Sóc Sơn đã vào cuộc. Theo đó, đã có 12 trường hợp bị xử phạt hành chính vì tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Từ năm 2017 đến nay, huyện Sóc Sơn cũng đã kỷ luật 6 cán bộ có liên quan đến các vi phạm trên. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, sự vào cuộc của huyện Sóc Sơn là còn chậm và chưa triệt để.

Thực tế, vi phạm đất rừng tại huyện Sóc Sơn đã được xác định từ tháng 4/2006. Thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận số 754/TTCP về những sai phạm trong quản lý đất rừng tại đây. Trước đó, năm 2005, Thanh tra TP Hà Nội cũng đã có Kết luận số 301/BC-TTTP-P3 kiến nghị, đề xuất xử lý vi phạm. Tuy nhiên, sau 12 năm, UBND huyện Sóc Sơn vẫn chưa thực hiện đầy đủ các kết luận nêu trên. Liên quan tới câu hỏi về việc vì sao kết luận thanh tra đã có từ rất lâu, nhưng địa phương không thực hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết là do “đang chờ điều chỉnh quy hoạch đất rừng theo Quyết định số 2234 và xác minh nguồn gốc đất”.

Trước diễn biến trên, vừa qua UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 4983/UBND-ĐT đề nghị Thanh tra TP phối hợp cùng các sở, ban ngành có liên quan tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại xã Minh Trí và Minh Phú (huyện Sóc Sơn) từ năm 2008 đến nay. Trong quá trình thanh tra, UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn có biện pháp ngăn chặn, đình chỉ tuyệt đối các công trình đang thi công có vi phạm, không để xảy ra vi phạm mới phát sinh.