Vi phạm nồng độ cồn, xử phạt thế nào?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Câu hỏi

Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời

Một quy định xử phạt hành chính đối với người tham gia giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn căn cứ theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022). 

Khoản 6, Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cũng quy định: “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Theo đó:

Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: 

1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

(Căn cứ điểm c khoản 6, điểm e khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)

2. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

(Căn cứ điểm c khoản 8, điểm g khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019) 

3.  Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

(Căn cứ điểm a khoản 10, điểm h khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)       

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

(Căn cứ điểm b khoản 10 và điểm h khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)    

Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng  đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

(Căn cứ điểm c khoản 6, điểm đ khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)         

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

(Căn cứ điểm c khoản 7, điểm e khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019) 

3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

(Căn cứ điểm e khoản 8, điểm g khoản 10 Điều 6  Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)        

4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

(Căn cứ điểm g khoản 8 và điểm g khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)      

Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác 

1. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

(Căn cứ điểm q khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)       

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

(Căn cứ điểm e khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019; Điểm k Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022)  

3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

(Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)       

4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

(Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)       

Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp Hà Nội

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn