Vì sao châu Á quan trọng với Nga đến vậy?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Châu Á nổi lên như cứu cánh đối với Nga giữa làn sóng trừng phạt của phương Tây.

Ba mươi bảy quốc gia đã trừng phạt kinh tế Nga kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Các lĩnh vực trụ cột của một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều chịu lệnh trừng phạt là: tài chính, năng lượng, công nghệ, du lịch, vận chuyển, hàng hóa và hệ thống điện tử hàng không.

Tuy nhiên, áp lực kinh tế mà Nga đang phải gánh chịu dường như không đủ để khiến quốc gia này rơi vào hiểm cảnh hoặc chấm dứt xung đột với Ukraine.

Giống như trước đây, phương Tây vẫn dựa vào sự thống trị của đồng đô la Mỹ để đẩy nhanh các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga, thế nhưng họ đã bỏ qua việc Moscow đang dần chuyển hướng sang châu Á – một thế lực đang trỗi dậy với tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Vào năm 2021, châu Á chiếm 39% GDP toàn cầu, trở thành châu lục có tiềm lực kinh tế lớn nhất thế giới. Xuất khẩu châu Á chiếm 36% toàn thế giới và 5 nền kinh tế lớn nhất của khu vực gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ cộng lại đã chiếm 1/4 tổng lượng nhập khẩu toàn cầu. Hiện nay, châu Á chiếm 3/4 tổng mức tăng trưởng GDP toàn cầu, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm một nửa.

Rõ ràng, mục đích trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã gần như thất bại khi các quốc gia châu Á nổi lên như một điểm đến thay thế cho hàng xuất khẩu của Moscow cũng như các nguồn nhập khẩu mới. Việc liên kết thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và các nước Trung Á đã giúp nền kinh tế Nga trụ vững và phát triển. Thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc tăng 29% vào năm 2022 và 39% trong quý I/2023. Thậm chí, con số này có thể đạt 237 tỷ USD vào cuối năm 2023 - lớn hơn tổng thương mại song phương của quốc gia tỷ dân với Australia, Đức hay Việt Nam.

Trung Quốc đang là thị trường dầu mỏ quan trọng của Nga. Nguồn: EAF
Trung Quốc đang là thị trường dầu mỏ quan trọng của Nga. Nguồn: EAF

Vào năm 2022, thương mại của Nga với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã tăng 68% trong khi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ tăng 87%. Thương mại Nga-Ấn tăng 205% lên mức 40 tỷ USD.

Bên cạnh đó, chuyển hướng xuất khẩu đã trở thành cứu cánh cho việc bán năng lượng của Nga, chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại nước này. Vào tháng 1/2022, khi chưa diễn ra xung đột với Ukraine, các nước châu Âu đã nhập khẩu 1,3 triệu thùng dầu/ngày của Nga trong khi các khách hàng châu Á mua 1,2 triệu thùng. Nhưng đến tháng 1/2023, doanh số bán hàng của Nga sang châu Âu đã giảm xuống dưới 100.000 thùng/ngày nhưng xuất khẩu sang châu Á lại tăng lên 2,8 triệu thùng.

Rõ ràng, nhu cầu về dầu ở châu Á đang là điều mà Moscow hướng đến để bù đắp cho sụt giảm nghiêm trọng xuất khẩu dầu sang châu Âu. Ấn Độ đã trở thành nhà nhập khẩu dầu thô được vận chuyển bằng đường biển nhiều nhất của Nga, với hơn 1,4 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2023. Tiếp đến là Trung Quốc với 800.000 - 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Chỉ trong một năm, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh đã thay thế hoàn toàn nhu cầu của châu Âu đối với xuất khẩu dầu của Nga.

Không những vậy, trong việc cung cấp thiết bị sản xuất tiên tiến và công nghệ cao, các nhà xuất khẩu châu Á cũng đã lấp đầy phần nào khoảng trống mà phương Tây để lại. Các công ty Trung Quốc hiện chiếm 40% doanh số bán ô tô mới và 70% doanh số điện thoại thông minh ở Nga. Việc phương Tây rút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp ô tô trong nước. Nga đã chuyển sang nhập khẩu ô tô châu Âu và Nhật Bản đã qua sử dụng thông qua các nước thứ ba, trong đó ô tô mới chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đối tác trong Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng đã giúp Nga một phần khi quốc gia này bị hạn chế xuất khẩu công nghệ. Trong khi các nền kinh tế Trung Á như Kazakhstan và Kyrgyzstan là nơi quá cảnh cho hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu sang Nga. 

Tính đến tháng 10/2022, mức tăng hàng năm trong xuất khẩu sang Nga từ Trung Quốc, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia gần bằng mức giảm xuất khẩu của châu Âu, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh sang siêu cường này.