Vì sao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông “sa lầy” chỉ vì 1% công việc?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù chỉ còn 1% khối lượng công việc nhưng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn loay hoay mà không thể về đích. Vậy đâu là nguyên nhân của nghịch lý này?

 Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ còn 1% khối lượng công việc.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vừa bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm xảy ra trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trong đó, việc dự án bị đội vốn lên tới hơn 9.000 tỷ đồng cùng hàng chục lần trễ hẹn về đích là hai trong số những sai phạm nghiêm trọng nhất khiến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang được coi là vết “sa lầy” của ngành giao thông vận tải (GTVT).
1% công việc còn lại gồm những gì?
Cập nhập mới nhất từ Ban Quản lý dự án Đường sắt (thuộc Bộ GTVT), tính đến tháng 4/2019 – là thời điểm dự kiến sẽ đưa toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành, khối lượng công việc còn lại của dự án này chỉ là 1%. Tuy nhiên, từ đó đến nay, con số 1% này vẫn chưa được tổng thầu dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc hoàn thành dù Bộ GTVT và các cơ quan liên quan liên tục nhắc nhở, đôn đốc.
Điều đáng nói, 1% khối lượng công việc này vốn không phải những công đoạn phức tạp, nặng nhọc mà chủ yếu là hoàn thiện mỹ quan và lắp đặt nốt thiết bị ở 1 số đơn thể khu Depot.
Cụ thể, các hạng mục công trình xây dựng đã hoàn thành đang được chỉnh trang hoàn thiện mỹ quan, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu. Ngoài ra còn phải đưa về công trường các phương tiện phục vụ vận hành, duy tu bảo dưỡng, cứu hộ (xe cẩu, xe tải, xe công vụ kèm dụng cụ chuyên dụng).
Bên cạnh đó, dự án cũng cần lắp đặt hoàn chỉnh một số thiết bị còn thiếu hoặc thay thế các thiết bị có sai sót, hư hỏng do vận chuyển trước đây phải khắc phục (một số máy chủ hệ thống phụ trợ của hạng mục thông tin, bán vé tự động, máy móc dụng cụ cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đoàn tàu).
Ngoài ra, dự án còn phải thực hiện nốt các thử nghiệm và các bước đánh giá an toàn phục vụ nghiệm thu các hạng mục thiết bị chuyên ngành; cùng đó là vận hành thử toàn hệ thống để kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Theo đai diện Ban Quản lý Đường sắt thì 1% khối lượng công việc còn lại của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông gồm những công việc phức tạp và mất nhiều thời gian. Trong đó có nhiều nội dung vừa thử nghiệm vừa phải căn chỉnh cho phù hợp.
 Chưa biết đến bao giờ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới đưa vào sử dụng.
Như vậy, tính từ tháng 4/2019 đến nay đã gần nửa năm trôi qua nhưng tổng thầu của dự án Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể hoàn thành 1% khối lượng công việc còn lại. Sự chậm trễ này là lý do chính khiến tiến độ dự án bị chậm và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ cơ quan, đơn vị nào, kể cả Bộ GTVT dám lên tiếng khẳng định về một cái mốc cụ thể cho ngày về đích của dự án.
Sự lệch pha giữa Tổng thầu và Bộ GTVT
Ngoài sự chậm trễ của tổng thầu, một nguyên nhân khác đang kéo tiến độ hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm lại là sự thiếu thống nhất giữa Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc trong vấn đề về kỹ thuật, đăng kiểm, nghiệm thu và bàn giao dự án.
Để xảy ra sự chậm trễ này có phần trách nhiệm lớn của Bộ GTVT. Điều đáng nói là những vướng mắc hiện tại của dự án, cũng chỉ có Bộ GTVT và các ban, ngành liên quan mới có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy Bộ GTVT sẽ có biện pháp giải quyết dứt điểm những vướng mắc trên, đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông về đích.
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban cán sự đảng UBND TP. Hà Nội báo cáo và kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo và quyết định giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước. Đồng thời, xây dựng dự thảo báo cáo với Ban Bí thư về các khó khăn, vướng mắc nêu trên để xin ý kiến chỉ đạo.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1km, đi trên cao và có 12 nhà ga, với hai điểm đầu là đầu phố Cát Linh (quận Đống Đa) và BX.Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Dự án sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, dự kiến được đưa vào vận hành từ tháng 4/2019 nhưng đến nay, ngày dự án này về đích vẫn chỉ là một khái niệm mơ hồ, vô định.
Ngày 26/9, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đến thời điểm này chưa hoàn thành việc kiểm định 13 đoàn tàu dự án, cũng như chưa cấp giấy chứng nhận đăng kiểm nào. Lý do chủ yếu là tổng thầu chậm trễ cung cấp đầy đủ hồ sơ, khắc phục các chi tiết kỹ thuật theo đúng hồ sơ thiết kế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần