Vì sao ngoại thành Hà Nội ngập lụt nghiêm trọng dù mưa không kéo dài?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng mưa lớn khu vực Hòa Bình (phần diện tích thuộc lưu vực sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà) trong thời gian ngắn đã dồn về các sông trên địa bàn Hà Nội, khiến mực nước sông lên rất nhanh, gây ngập lụt nhiều vùng dân cư ven sông.

Thông tin sáng nay (10/9) của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, mưa lớn trong ngày 8 - 9/9 đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại một số nơi ở ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt tại huyện Chương Mỹ, mưa đã gây ngập cục bộ tại 14 thôn thuộc 9 xã, thị trấn, nhà dân của ít nhất 312 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu bị ngập từ 0,5 - 1m.

Khu vực dân cư tại huyện Chương Mỹ bị ngập sâu nước trong ngày 9/9. Ảnh: Phi Hùng.
Khu vực dân cư tại huyện Chương Mỹ bị ngập sâu nước trong ngày 9/9. Ảnh: Phi Hùng.

Cũng tại huyện Chương Mỹ, thống kê sơ bộ có hơn 442ha diện tích canh tác nông nghiệp bị ngập úng, cùng gần 29.000 gia súc, gia cầm bị chết. Huyện Chương Mỹ đã phải huy động hơn 800 người thuộc các lực lượng, cùng Nhân dân bảo vệ, chống tràn và vỡ đê Bùi II, đê Đồng Trối để bảo vệ vùng dân cư phía trong đê…

Bên cạnh thiệt hại trên địa bàn huyện Chương Mỹ, mưa lớn 2 ngày qua đã khiến tổng số hơn 4.500ha cây trồng tại các quận, huyện khác như: Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai, Mỹ Đức… bị ảnh hưởng. Trạm bơm Đốc Tín, cống Gốc Gạo và cống Chùa thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cũng bị hư hỏng do mưa lớn.

Trước đó, huyện Ứng Hòa cũng đã có báo cáo về 2 sự cố sạt lở do ảnh hưởng của mưa lớn. Cụ thể là mái thượng lưu đê tả Đáy từ K59+205 đến K59+225 thuộc xã Sơn Công và đoạn từ K47+885 đến K47+930 thuộc xã Viên Nội. Cung sạt dài hàng chục mét và sâu từ 0,7 - 1,6m. Diễn biến sạt lở vẫn còn rất đáng lo ngại.

Năm 2018, huyện Chương Mỹ cùng từng bị ngập lụt nghiêm trọng do mưa lớn và ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ Hòa Bình.
Năm 2018, huyện Chương Mỹ cùng từng bị ngập lụt nghiêm trọng do mưa lớn và ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ Hòa Bình.

Liên quan đến nguyên nhân gây ngập úng những ngày qua tại khu vực ngoại thành, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đánh giá một phần là do lượng mưa lớn khu vực Hòa Bình (phần diện tích thuộc lưu vực sông Tích, Bùi, Mỹ Hà) trong thời gian ngắn, đã dồn về các sông thuộc địa bàn TP và khiến mực nước sông lên rất nhanh.

“Mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà lên rất nhanh trong thời gian ngắn, từ mức dưới báo động I trong đêm ngày 8/9 đã lên xấp xỉ báo động III. Biên độ lũ lên cao tới 3m chỉ trong khoảng 21 giờ đồng hồ và nhanh chóng khiến nhiều khu vực ven sông bị ngập lụt…” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Phạm Quang Đông cho biết.

Hôm nay (10/9), các doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội tiếp tục vận hành 57 trạm bơm, tập trung tiêu thoát nước tại các địa bàn hiện đang bị ngập úng, đặc biệt là thuộc huyện Chương Mỹ. Các địa phương cũng đã huy động lực lượng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do ngập lụt, dần ổn định cuộc sống.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đề nghị các huyện thuộc lưu vực sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà tiếp tục triển khai chống lũ rừng ngang theo phương án được phê duyệt. Rà soát phương án sơ tán người dân trong trường hợp lũ lên. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra đối với hệ thống đê điều…

 

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội sáng 10/9 cho biết, mực nước trên 13 hồ chứa thủy lợi chính trên địa bàn TP đều đã vượt ngưỡng tràn. Hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) và hồ Suối Hai (huyện Ba Vì) là những hồ chứa có mực nước vượt cao nhất so với thiết kế.