Vì sao nhiều cây xanh bị chặt hạ trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có tác dụng giảm tiếng ồn cũng như tạo cảnh quan nhưng hiện tại nhiều cây keo dọc tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đã bị chặt.

Thời gian qua, báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được đơn trình báo khẩn cấp của Công ty TNHH D&G Việt Nam (Cty D&G), đơn vị được ký hợp đồng trồng cây xanh trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình về việc hơn 4.000 cây keo của công ty này bị chặt trơ gốc, thiệt hại ước tính hơn 2,5 tỷ đồng.

Trong đơn, ông Đỗ Thu Đạt, Giám đốc Cty D&G, cho biết năm 2015, công ty này đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) về việc trồng cây keo tại tuyến cao tốc trên, với mục đích giảm nhiệt độ cũng như tạo cảnh quan môi trường dọc hai bên tuyến đường.

Tuy nhiên, trong tháng 5/2018, VEC O&M đã cho người chặt hạ hàng loạt cây, với lý do vi phạm hành lang an toàn đường bộ.

 Đơn trình báo khẩn cấp của Công ty TNHH D&G Việt Nam
“Đây là điều không đúng, bởi khi trồng cây đã có sự phối hợp giữa hai công ty. Bên VEC O&M cho người giám sát ngay từ khâu trồng cây giống, do đó, chúng tôi không thể trồng sai vị trí hàng nghìn cây keo được”, ông Đạt nói về tình trạng cây bị chặt.

Ông Đạt thừa nhận có “một số cây keo” bị trồng sai vị trí, tức trên taluy âm cao tốc. “Số cây này đã được 2 bên cùng xác minh, đánh dấu. Sau đó, chúng tôi đã cho công nhân chặt bỏ”, ông Đạt cho biết.

Trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị, đại diện VEC O&M, thừa nhận đã cho công nhân chặt bỏ hàng loạt cây keo mà đơn vị này cho là “trồng sai vị trí”.

“Chúng tôi đã nhiều lần thông báo bằng văn bản tới phía D&G, yêu cầu họ chặt bỏ những cây keo trồng trên phần đất taluy âm của cao tốc. Do đối tác không thực hiện nên chúng tôi đã cho người chặt bỏ”, đại diện VEC O&M, nói.

Hàng loạt cây keo dọc tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đã bị chặt hạ như thế này (ảnh: Hà Thanh)
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc với trách nhiệm bảo trì, quản lý cao tốc, vì sao VEC O&M không phát hiện từ năm 2016, khi cây keo mới được trồng, mà phải đợi đến hai năm sau để chặt bỏ, đại diện VEC O&M nói do ban đầu cây keo “rất bé” và bị tưởng nhầm là “cây bụi”.

Về việc D&G khẳng định đây là hành động phá hoại, do lúc trồng cây có sự giám sát của hai bên, đại diện VEC O&M nói “sẽ cho kiểm tra lại”. Vị đại diện này nêu lý do mới được điều động nắm nhiệm vụ nên “không biết” việc hai công ty cùng giám sát trồng cây.

Trong hợp đồng do VEC O&M, điều 4 ghi rõ: Phạm vi trồng cây là quỹ đất dọc hai bên đường cao tốc tính từ chân taluy trở ra đến hàng rào B40 của toàn bộ dự án Cầu Giẽ-Ninh Bình, ngoại trừ một số vị trí đang được VEC O&M sử dụng.

 Không khó để bắt gặp cảnh tượng này dọc theo tuyến đường (ảnh: Hà Thanh)
Tuy nhiên, khi khảo sát dọc tuyến đường này, PV Kinh tế & Đô thị ghi nhận hàng loạt cây keo trong phạm vi điều 4 hợp đồng đã bị chặt bỏ, chỉ còn trơ gốc, phần thân cây không rõ đã được chuyển đi đâu.

Mỗi ngày, hàng nghìn xe qua lại cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, song khó xe nào “lọt” qua cửa trạm thu phí. Nhưng hàng nghìn cây keo tạo bóng mát ven đường lại chỉ được VEC O&M phát hiện “trồng sai vị trí” sau hai năm rưỡi quả là đáng ngạc nhiên. Lý giải vấn đề này, đại diện VEC O&M cho biết “nhận trách nhiệm” và sẽ cho người kiểm tra lại, cũng như dừng ngay việc chặt cây.