Tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước:

Vì sao nhiều năm liền người dân chưa được cấp sổ đỏ?

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hàng chục năm sinh sống, hộ khẩu, nhà cửa, canh tác ổn định trên những phần đất hợp pháp. Thế nhưng, nhiều hộ dân Ấp 1 (xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, Bình Phước) vẫn chưa được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ, cũng như công nhận đường giao thông...

Ông Nguyễn Thế Tài và ông Nguyễn Văn Lễ phản ánh về phần đất sử dụng hợp pháp hàng chục năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ, đường giao thông cũng chưa được công nhận. (Ảnh: Lâm Thiện)
Ông Nguyễn Thế Tài và ông Nguyễn Văn Lễ phản ánh về phần đất sử dụng hợp pháp hàng chục năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ, đường giao thông cũng chưa được công nhận. (Ảnh: Lâm Thiện)

Người dân trăn trở vì nhiều năm không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Một số hộ dân ấp 1 (xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản) phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị việc họ đã sinh sống, canh tác, có hộ khẩu, nhà cửa ổn định trên những diện tích đất hợp pháp từ hàng chục năm nay. Thế nhưng, vẫn chưa được chính quyền sở tại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), thậm chí con đường giao thông có từ trước lúc họ đến lập nghiệp đến giờ cũng chưa được công nhận.

Theo ghi nhận của Phóng viên, con đường từ tỉnh lộ ĐT-752 tới gần bờ sông Sài Gòn dài khoảng 700m (không tính đoạn kế bờ sông vào mùa mưa ngập nước). Hai bên đường là nhà, đất của bà con từ Bình Dương và các tỉnh miền Tây tới lập nghiệp. Những diện tích đất đang sử dụng hầu hết người dân tự khai phá, hoặc nhận sang nhượng của người khác vào những năm 1980 - 1990.

Vì sao nhiều năm liền người dân chưa được cấp sổ đỏ? - Ảnh 1

Chị Lê Thị Diễm Đẹp mong muốn được chính quyền quan tâm, hướng dẫn làm sổ đổ (Ảnh: Lâm Thiện)

Đất không vướng dự án, không phát sinh tranh chấp, thậm chí có những hộ trước đây khó khăn còn được chính quyền địa phương, nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà tình thương, nhưng vẫn chưa có sổ.

Ông Nguyễn Thế Tài (sinh năm 1955, cựu chiến binh, con cựu tù Côn Đảo) tới địa phương lập nghiệp đầu những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, ông sử dụng phần đất khoảng 35.000m2, đã làm nhà, sản xuất nông nghiệp ổn định trên phần đất này. Ông Nguyễn Văn Lễ (sinh năm 1964, cựu chiến binh) cũng về đây lập nghiệp cùng khoảng thời gian với ông Tài, phần đất hiện tại ông mua lại từ năm 2008, cất nhà cửa, sinh sống ổn định.

Ông Lê Tấn Vũ (sinh năm 1971) quê miền Tây tới lập nghiệp từ năm 1993, ông sử dụng 8.000m2 đất nguồn gốc rõ ràng, nhà cửa cũng ổn định, nguồn thu nhập chính là hoa lợi trên đất. Chị Lê Thị Diễm Đẹp cùng một số bà con khác cũng tương tự, đã cất nhà cửa và sinh sống ổn định tại đây đã nhiều năm...

Đoạn đường giao thông, cũng là con đường sinh kế từ hơn 30 năm qua của bà con Ấp 1, xã Minh Tâm trước nguy cơ không được công nhận. (Ảnh: Lâm Thiện)
Đoạn đường giao thông, cũng là con đường sinh kế từ hơn 30 năm qua của bà con Ấp 1, xã Minh Tâm trước nguy cơ không được công nhận. (Ảnh: Lâm Thiện)

Nói về phần đất đang sử dụng cũng như con đường giao thông hiện hữu trong xóm, người dân cho biết: Sau hai lần chính quyền xã Minh Tâm và huyện Hớn Quản xuống xác minh, đo đạc, lần đầu cách đây khoảng 10 năm, lần gần nhất cách đây khoảng 2 năm, thế nhưng hiện bà con vẫn chưa được cấp sổ đỏ, chưa được công nhận đường giao thông.

“Năm 1990, sau khi xuất ngũ tôi về đây lập nghiệp. Trước ở gần sông, mùa nắng canh tác bình thường nhưng mùa mưa, nhiều khi ngập nước. Năm 2008 tôi mua lại mảnh đất xa bờ sông hơn để xây nhà, ổn định chỗ ở cho vợ con. Qua những lần cán bộ địa chính xã, huyện xuống đo đạc, nói đo để cấp sổ đỏ nhưng chờ hoài không thấy đâu” - ông Nguyễn Văn Lễ cho biết.

Ông Nguyễn Thế Tài chia sẻ thêm: “Con đường này tồn tại hơn 30 năm nay, từ trước lúc chúng tôi tới. Ngày xưa đường xấu, gồ ghề, lầy lội, sau này được UBND xã cho phép nên bà con đóng góp tiền tu bổ, nhiều lần mới được như bây giờ. Tuy không thể bằng đường bê tông nhưng mùa mưa đã không còn lầy lội. Mấy tháng trước, tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu HĐND tỉnh, có cả đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước, chúng tôi có phản ánh về việc chậm cấp sổ đỏ, và mong muốn được công nhận con đường. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và cho biết sẽ chỉ đạo giải quyết, chúng tôi vẫn đang chờ đợi và hi vọng...”

Hơn 30 năm qua, thế hệ cháu của những người ngày đầu tới lập nghiệp đã được sinh ra, cũng chừng ấy thời gian ông nội, ông ngoại các cháu chưa được cấp sổ đỏ. (Ảnh: Lâm Thiện)
Hơn 30 năm qua, thế hệ cháu của những người ngày đầu tới lập nghiệp đã được sinh ra, cũng chừng ấy thời gian ông nội, ông ngoại các cháu chưa được cấp sổ đỏ.
(Ảnh: Lâm Thiện)

“Con đường giao thông từ tỉnh lộ ĐT-752 kéo dài tới gần bờ sông Sài Gòn dài khoảng 700m. Đây là đường sinh kế của bà con, nhà tôi cũng như mọi người khác, trông chờ chính quyền cấp sổ đỏ, công nhận đường từng ngày. Đất có tên người nhưng chưa tấm giấy lận lưng, đường giao thông chưa được công nhận. Chúng tôi rất buồn mỗi khi nghĩ đến đất và đường…” – ông Vũ thở dài nói.

Theo văn bản số 146/TB-UBND của UBND huyện Hớn Quản do ông Hoàng Ngọc Giang - Phó chánh văn phòng UBND huyện ký theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Vũ Tiến tại buổi khảo sát, kiểm tra thực địa hồ sơ đề nghị giao đất của hộ bà Nguyễn Thị Kim Thuý ngày 18/7/2022 thì đoạn đường từ ĐT-752 vào gần bờ sông dài 700m nhưng chỉ được công nhận một phần đầu (khoảng 450 mét), phần còn lại lãnh đạo huyện đề nghị bà con tự thương lượng làm “lối ra vào”, không cập nhật vào bản đồ địa chính.

Ông Lê Tấn Vũ trước căn nhà của mình,  ngóng chờ được cấp sổ và công nhận đường  giao thông từng ngày. (Ảnh: Lâm Thiện)
Ông Lê Tấn Vũ trước căn nhà của mình,  ngóng chờ được cấp sổ và công nhận đường  giao thông từng ngày. (Ảnh: Lâm Thiện)

Cần quan tâm nhu cầu thiết thực, chính đáng của người dân

Theo những người dân đang sinh sống tại Ấp 1, con đường dài 700m nói trên xưa nay không thuộc về ai, chỉ làm đường đi, và thực tế giờ cũng là đường đi, hoàn toàn nằm ngoài ranh đất vườn của mọi người, cũng không ai tranh chấp, mùa mưa không hề ngập nước. Vì vậy, người dân mong sớm được chính quyền quan tâm giải quyết, hướng dẫn các thủ tục để được cấp sổ đỏ và công nhận đường giao thông trên, cập nhật vào sơ đồ địa chính, để vững tâm an cư lạc nghiệp, phát triển kinh tế.

Phần đường được công nhận và phần đường còn lại không được công nhận (Ảnh: Lâm Thiện)
Phần đường được công nhận và phần đường còn lại không được công nhận
(Ảnh: Lâm Thiện)

Ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, ông Trường cho biết: Vấn đề phóng viên phản ánh vừa qua ông Nguyễn Vũ Tiến, Phó Chủ tịch huyện đã có văn bản chỉ đạo về xã. Vì vậy, phóng viên cần trao đổi với Chủ tịch xã Minh Tâm Hoàng Ngọc Giang để biết thêm thông tin.

Qua trao đổi, ông Giang cho biết: “Vừa rồi, huyện có văn bản trả lời hộ bà Nguyễn Thị Kim Thúy. Còn các hộ dân khác trong đó, nếu huyện, xã có trả lời thì cũng như trả lời cho bà Thúy thôi. Huyện chỉ thống nhất công nhận 400 hoặc 450 mét đường, phần còn lại bà con tự thương lượng làm lối đi. Hôm trước xã có đề xuất thêm, nhưng các ngành trên huyện nói quy hoạch đường giao thông không có, nên thống nhất không đưa vào quy hoạch đường. Giờ muốn đưa vào quy hoạch thành con đường thì các ngành của huyện phải thống nhất đưa vào, xã không có thẩm quyền".

Nói về việc chậm cấp sổ đỏ cho bà con, ông Giang cho biết: “Sổ đỏ thì đo đạc chính quy nên việc đo là Sở Tài nguyên & Môi trường hợp đồng với công ty đo đạc để đo, việc cấp sổ đỏ đơn vị tư vấn người ta đang làm, cũng không biết khi nào cấp sổ cho bà con được”.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.