Vì sao nhiều vụ án tham nhũng kéo dài, bị trả hồ sơ nhiều lần?

Nguyễn Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tâm lý sợ oan sai đã dẫn tới cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

"Chia lửa" với Chánh án TAND tối cao trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 18/11, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí thông tin một số nội dung trong phạm vi trách nhiệm ngành kiểm sát.
 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí
Ông Lê Minh Trí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua đã có bước tiến rõ nét, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn những vụ án kéo dài, trả hồ sơ nhiều lần, trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan tố tụng, của ngành kiểm sát.

Nguyên nhân, do đây là án truy xét, xảy ra trong thời gian dài, đối tượng là những người có kiến thức, chức vụ, có thể tác động tới nhiều cấp khác nhau khi điều tra vụ án... Ngoài ra tâm lý sợ oan sai đã dẫn tới cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn tới trả hồ sơ để "giải quyết triệt để vụ án nhằm an toàn cho mình".

Về vai trò của giám định tư pháp trong xử lý án tham nhũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh: "Chỉ riêng nắm chắc luật hình thức, luật tố tụng thì không thể đánh giá thiệt hại trong các vụ án này, do đó giám định tư pháp có ý nghĩa quyết định".

Ông Trí nêu ví dụ, chỉ riêng vụ án Phạm Công Danh phải giám định tới 5 lần mới có cơ sở. Theo đó, có những vụ án tham nhũng, kinh tế quy mô lên tới nhiều nghìn tỷ đồng nên phần đánh giá thiệt hại khó khăn, trong thời hạn cho phép điều tra không thể xét hết được.

Vì thế Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa ra chủ trương, "điều tra rõ tới đâu, truy tố, xét xử tới đó, phần còn lại đưa vào vụ án khác".

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá, xử lý theo phương thức này giúp đưa tội phạm ra ánh sáng theo từng hành vi, nhưng về tổng thể lại khó chứng minh đầy đủ tội phạm.

Ngoài ra, việc kéo dài án còn phụ thuộc vào các vấn đề: Thời gian cung cấp tài liệu của cơ quan chuyên môn; thời gian cung cấp nội dung của cơ quan giám định; yêu cầu thu hồi tài sản, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án... Quy mô lớn của các vụ án cũng là áp lực cho cơ quan chức năng. Cụ thể như vụ án Phạm Công Danh có 50 bị can; vụ án Hà Văn Thắm cũng có 51 bị can tại các tỉnh, thành khác nhau.

"Những quy định mới trong quản lý kinh tế, Bộ luật hình sự 2015 cũng đặt ra yêu cầu thực thi cao hơn cho các cơ quan chức năng. Chúng tôi nhận thức việc kéo dài, trả lại án để điều tra bổ sung nhiều lần cũng liên quan tới năng lực, trình độ của cơ quan tố tụng trong đó có ngành kiểm sát", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Chánh án là người có nhiều kinh nghiệm trong ngành tư pháp, trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi.

"Cơ bản là Chánh án đã làm hài lòng Quốc hội, nhưng đây là lĩnh vực phức tạp nên vẫn có tới 10 đại biểu tranh luận và 2 đại biểu chưa kịp tranh luận. Đề nghị Chánh án tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu, triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế của ngành, đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử của toà án", Chủ tịch Quốc hội nói.

11h30, Quốc hội nghỉ buổi sáng. Chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần