Vì sao nông sản Việt chưa chinh phục những thị trường khó tính?

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/9/2023, tại TP Hồ Chí Minh, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng chuỗi giá trị trái cây Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu".

Năm 2022, những chuyến hành hàng nông sản (xoài, thanh long...) đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được xuất qua thị trường châu Âu.
Năm 2022, những chuyến hành hàng nông sản (xoài, thanh long...) đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được xuất qua thị trường châu Âu.

Hội thảo thực hiện trong khuôn khổ Chương trình tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam (GQSP Việt Nam), nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững cho ngành xuất khẩu trái cây nhiệt đới của Việt Nam.

Đối mặt thách thức, nâng cao năng lực

Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam cho biết, hiện nay các nhà xuất khẩu ở các nước đang phát triển vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể để đáp ứng và thể hiện sự tuân thủ các yêu cầu của thị trường quốc tế.

Lễ ra quân xuất khẩu sản phẩm sầu riêng .
Lễ ra quân xuất khẩu sản phẩm sầu riêng .

Theo đó, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại đang cản trở khả năng tiếp cận thị trường của các nước. Các thủ tục kéo dài và bị từ chối tại cửa khẩu do không tuân thủ các yêu cầu của thị trường có thể dẫn đến tổn thất tài chính lớn cho nhà sản xuất.

Để đạt được và duy trì khả năng tiếp cận thương mại quốc tế và hội nhập vào thị trường toàn cầu, việc tuân thủ các tiêu chuẩn và bằng chứng về sự phù hợp là rất cần thiết.

Hội thảo nhằm đánh giá tổng quan chung về tình hình tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của trái cây xuất khẩu Việt Nam. Chia sẻ các kết quả dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng trong chuỗi giá trị xoài và bưởi tại đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2020 - 2023. Đánh giá hoạt động phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển ngành trái cây cho giai đoạn tiếp theo của dự án.

Sầu riêng, một trong những mặt hàng  nông sản của Việt Nam đang được thị trường Trung Quốc đón nhận.
Sầu riêng, một trong những mặt hàng  nông sản của Việt Nam đang được thị trường Trung Quốc đón nhận.

Mở ra cơ hội tăng cường sự kết nối và đối thoại giữa ngành trái cây, Chính phủ, các bên cung ứng dịch vụ và các đơn vị liên quan, các tổ chức quốc tế về chuỗi giá trị trái cây. Chia sẻ các giải pháp khả thi, và qua đó chuyển thành các khuyến nghị để định hướng xây dựng các chính sách ngành phù hợp, đáp ứng các mục tiêu phát triển ngành trái cây mà Chính phủ đề ra.

Cũng tại hội thảo, UNIDO và Bộ NN&PTNT đã giới thiệu giai đoạn 2 của dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng Việt Nam. Giai đoạn 2 sẽ được xây dựng dựa trên kết quả của giai đoạn 1 kết hợp mở rộng quy mô, điều chỉnh các biện pháp can thiệp và mô hình đã phát triển cho nhiều ngành trái cây nhiệt đới ở Việt Nam.

Mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững của xuất khẩu trái cây nhiệt đới Việt Nam thông qua đổi mới, đa dạng hóa, cải thiện chất lượng và năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thị trường hiện đại.

Tỉ lệ từ chối nhập nông sản và thức ăn chăn nuôi vẫn cao

Từ báo cáo đề dẫn của UNIDO, lần đầu tiên các đại biểu tham dự hội thảo được tiếp cận một báo cáo phân tích về các lý do chính bị từ chối nhập khẩu các sản phẩm nông sản và thức ăn chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam (mã HS1 - 23) nói chung và trái cây nói riêng tại 5 thị trường Úc, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ trong 10 năm (từ 2010 đến 2020).

Ông Baharamakian Nima - Giám đốc dự án chương trình tiêu chuẩn, chất lượng của UNIDO cho biết, trong 10 năm (từ 2010 đến 2020), trong số thị trường của các nước Úc, Trung Quốc, EU - 28, Nhật Bản, Hoa Kỳ có đến 359 trường hợp bị từ chối nhập khẩu (ARR) - Việt Nam.

Xoài, sầu riêng, chuối... là những sản phẩm đang được nhiều doanh nghiệp khai thác đầu tư, chế biến đưa ra thị trường châu Á, châu Âu.
Xoài, sầu riêng, chuối... là những sản phẩm đang được nhiều doanh nghiệp khai thác đầu tư, chế biến đưa ra thị trường châu Á, châu Âu.

Trong đó, thị trường Hoa Kỳ có tỉ lệ bị từ chối cao nhất (42%). Bốn thị trường khác có mức độ bị từ chối tương đối gần nhau (9 - 18%). Tổng số trường hợp bị từ chối thực phẩm và thức ăn chăn nuôi Việt Nam tại 5 thị trường này đã giảm trong giai đoạn 2010 - 2020 xuống còn 15%, cụ thể từ 632 xuống còn 537 trường hợp.

Tương tự, trong 10 năm (từ 2010 đến 2020), các thị trường của Úc, Trung Quốc, EU - 28, Nhật Bản, Hoa Kỳ có 359 trường hợp bị từ chối nhập khẩu (ARR) - HS 07. Trong đó Úc có 34 trường hợp (chiếm 9%), Trung Quốc có 126 trường hợp (chiếm 35%), EU - 28 có 66 trường hợp (chiếm 18%), Nhật Bản có 20 trường hợp (chiếm 6%), Hoa Kỳ có 113 trường hợp (chiếm 31%).

Qua đó cho thấy, thị trường Trung Quốc và thị trường Mỹ có tỷ lệ từ chối lớn nhất với 35% và 31%. Thị trường EU chiếm gần 1/5 (18%) trong tổng số trường hợp bị từ chối của hàng hóa xuất khẩu mã HS 07 của Việt Nam.

Tổng số trường hợp bị từ chối của rau và một số loại củ, thân củ và rễ ăn được xuất khẩu của Việt Nam sang 5 thị trường đã tăng đáng kể từ 11 trường hợp năm 2012 lên 75 trường hợp vào năm 2020. Tuy nhiên, điều này rất có thể là do khối lượng sản phẩm HS 07 được xuất khẩu từ Việt Nam sang 5 thị trường nhập khẩu tăng mạnh.

Những nguyên nhân bị từ chối và kiến nghị

Theo ông Baharamakian Nima, nguyên nhân chính của các trường hợp sản phẩm bị từ chối của Việt Nam năm 2020 là nhiễm khuẩn (22%) và điều kiện kiểm soát vệ sinh (18%). Các nguyên nhân khác gồm dư lượng thuốc thú y (13%), ghi nhãn (14%), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (10%) và phụ gia (7%).

Vì vậy, theo ông Baharamakian Nima, Việt Nam cần tăng cường năng lực về kỹ thuật đánh giá cũng như kiểm soát an toàn, vệ sinh để tuân thủ quy định quốc tế đối với các nguyên nhân bị từ chối chính: nhiễm khuẩn, điều kiện kiểm soát vệ sinh, và dư lượng thuốc thú y.

Lễ ra quân hàng xuất khẩu nông sản tại tỉnh Đồng Nai.
Lễ ra quân hàng xuất khẩu nông sản tại tỉnh Đồng Nai.

Trong khi đó, nguyên nhân chính khiến rau quả Việt Nam bị từ chối năm 2020 là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (25%), nhiễm khuẩn (23%) và ghi nhãn (21%). Nguyên nhân khác là giả mạo, thiếu giấy tờ (7%).

Từ những bất cập trên, ông Baharamakian Nima nêu đề xuất, kiến nghị. Trong đó, đáng chú ý là cần tăng cường hệ thống giám sát an toàn thực phẩm quốc gia và phối hợp với tất cả các bên liên quan huy động tất cả các biện pháp kiểm soát chính thức. Cần truyền đạt và quảng bá các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, Global GAP, tiêu chuẩn hữu cơ cho sản xuất sơ cấp, ISO 22000, HACCP, SQF, IFS cho doanh nghiệp chế biến…

Đồng thời, Bộ NN&PTNT có thể được hỗ trợ để thường xuyên giám sát và công bố giới hạn dư lượng tối đa thực tế của thuốc bảo vệ thực vật và chất gây ô nhiễm thực phẩm tại các quốc gia, nhằm cải thiện công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Tập trung vào việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, bằng cách cải thiện tính minh bạch chuỗi thực phẩm để tăng cường phát hiện sự hiện diện của thực phẩm không an toàn. Điều này cũng sẽ cho phép phát hiện các vấn đề, chẳng hạn như thiếu thông tin trong chuỗi cung ứng thực phẩm.

Ông Lê Thanh Hòa (Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Giám đốc văn phòng SPS, Bộ NN&PTNT) cho biết, ngoài các vấn đề phải đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, thì trong tương lai nếu như nhà máy của chúng ta không đảm bảo về môi trường xanh, không có khoảng không gian xanh thì các nước sẽ không mua hàng của chúng ta nữa.