Vì sao sản phẩm OCOP khó tiêu thụ?

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần giúp khu vực nông thôn phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa đặc thù, thế nhưng việc đưa hàng vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP và bán lẻ trao đổi tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Lê Nam
Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng mỗi liên kết giữa nhà sản xuất với DN bán lẻ. Đây là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/12.
Sản phẩm OCOP khó vào siêu thị
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, chương trình đã lan rộng tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa. Dự kiến đến năm 2020, tổng số sản phẩm được chuẩn hóa OCOP là trên 3.800 sản phẩm. Mặc dù chương trình OCOP đang phát triển nhưng nhiều sản phẩm OCOP chất lượng không cao nên chưa được tiêu thụ rộng rãi. Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, DN, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Ngoài ra mặc dù được đánh giá tốt về chất lượng, song khâu làm thương hiệu còn nhiều bất cập, bao bì, nhãn mác chưa bắt mắt thậm chí ghi nhãn thiếu thông tin theo quy định…
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương Lê Việt Nga
Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Ba Vì Nguyễn Thanh Vân than thở, DN có 2 trại chăn nuôi ở huyện Ba Vì với quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Năm 2019, DN đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP TP Hà Nội. Thế nhưng, việc liên kết với DN bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng. Không chỉ Công ty CP Thực phẩm sạch Ba Vì gặp khó khăn này mà nhiều chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP cũng trong tình trạng tương tự trong quá trình tìm kiếm đối tác tiêu thụ ổn định, tạo giá trị cao cho sản phẩm.
Trong khi DN sản xuất còn loay hoay trong khâu kết nối thì nhiều siêu thị chưa tìm được nguồn hàng phù hợp từ nơi sản xuất. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Centra Retail (DN đang quản lý khai thác hệ thống siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương: Hiện trên các kệ hàng của Siêu thị Big C Thăng Long đang có 50 sản phẩm OCOP đến từ các địa phương và rất nhiều nông sản, đặc sản vùng miền, trong đó có 96% mã hàng của Việt Nam. Mặc dù Big C có nhu cầu kinh doanh sản phẩm OCOP nhưng theo quy định, để đưa hàng hóa vào hệ thống đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Quy định là vậy nhưng hiện nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch, mua bán. “Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại” - bà Nguyễn Thị Phương phân tích
Đẩy mạnh kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm
Tại hội nghị các DN sản xuất sản phẩm OCOP kiến nghị để sản phẩm OCOP đạt được thành công trong thực tế, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm theo mô hình chuỗi; đặc biệt, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa DN sản xuất với DN bán lẻ.
Trước kiến nghị của DN, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới T.Ư Nguyễn Minh Tiến nêu rõ: Thời gian tới, Văn phòng điều phối nông thôn mới T.Ư và Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh hỗ trợ người sản xuất về khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn; hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm..., qua đó bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các sản phẩm giao dịch thương mại điện tử. Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề. Cùng với đó tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước.
Theo Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà, để tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể tham gia OCOP khi đưa sản phẩm vào siêu thị, Big C cử nhân viên về các địa phương tìm kiếm sản phẩm đặc trưng; hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị... “Hiện nay, Big C có các chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ nông dân và hợp tác xã với chiết khấu 0% nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý” - ông Hà thông tin. Nhằm hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm OCOP, sắp tới, Hà Nội chấm điểm sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP để phân hạng sản phẩm theo tiêu chí “sao”. Khi sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được chứng nhận, chắc chắn sẽ có thêm cơ hội đưa hàng vào hệ thống siêu thị tiêu thụ và người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận…