Vì sao tiến độ bàn giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chậm?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc bàn giao mặt bằng chậm đã và đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Nếu tình trạng không được cải thiện, nguy cơ dự án vỡ tiến độ là nhãn tiền.

Phối cảnh dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Phối cảnh dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Sốt ruột vì tiến độ rùa bò

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài gần 54km. Đoạn tuyến đi qua tỉnh Đồng Nai dai hơn 34km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5km. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 2 (Km16 - Km34+200) do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản với chiều dài khoảng 18,2km. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 - 6 làn xe theo từng đoạn tuyến. Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ được mở rộng bảo đảm quy mô 6 - 8 làn xe.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Trong văn bản trên, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của Ban QLDA85 thuộc Bộ GTVT thì hiện nay công tác bàn giao mặt bằng cho dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vẫn tiến triển rất chậm, đạt khoảng 6%, không đáp ứng được tiến độ thi công trên hiện trường.

Để tránh việc này ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo Ban QLDA bồi thường, hỗ trợ tái định cư và các đơn vị liên quan của tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng; tạo điều kiện giúp đỡ các nhà thầu trong việc tìm kiếm mỏ vật liệu bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, đủ trữ lượng phục vụ thi công công trình.

Đối với Ban QLDA85, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Long Thành và ACV sớm hoàn thiện các thủ tục bàn giao phần mặt bằng dự án thành phần 2 đồng thời với mặt bằng tuyến giao thông kết nối số 2 thuộc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Chậm GPMB khiến dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đối mặt nguy cơ vỡ tiến độ.
Chậm GPMB khiến dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đối mặt nguy cơ vỡ tiến độ.

Đâu là nguyên nhân?

Có thể nói nút thắt lớn nhất tại dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chính là vấn đề mặt bằng. Theo Ban QLDA85, nguyên nhân cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua tỉnh Đồng Nai thi công chậm do đến nay tỉnh Đồng Nai mới bàn giao được 5,64ha mặt bằng trên tổng số gần 290ha. Việc giải phóng mặt bằng chậm khiến các nhà thầu thi công chưa thể thi công các hạng mục công trình thuộc dự án.

Bên cạnh đó, các hạng mục cụ thể cũng chưa thể triển khai như xử lý đất yếu, nút giao, các cầu vượt ngang, cống hộp khẩu độ lớn… Việc chậm trễ bàn giao mặt bằng dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ và không đáp ứng điều kiện giải ngân nguồn vốn.

Lí giải cho sự chậm trễ trong công tác GPMB của địa phương, đại diện Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị thiếu nhân lực kiểm kê, chưa có giá đất cụ thể để bồi thường và chưa bố trí được khu tái định cư.

Ngoài ra, việc đơn vị này mới thành lập cũng khiến tiến độ công việc chưa thể đẩy nhanh vì có nhiều vấn đề phải xin ý kiến, không thể tự quyết. Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai được giao làm chủ đầu tư hai tiểu dự án giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ tháng 2/2023. Bắt đầu từ thời điểm đó, đơn vị này mới bắt tay thực hiện những việc giải phóng mặt bằng như đo đạc, lập bản đồ thu hồi đất…

Cũng theo đại diện Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai, dù cho chỉ định đơn vị đo đạc nhưng theo quy định mất rất nhiều thời gian cho thủ tục như lập dự án, phương án thiết kế thi công, đo đạc bản đồ cho toàn tuyến của hai dự án thành phần trên.

Điều đáng nói là trái ngược với tỉnh Đồng Nai, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay mặt bằng đã được bàn giao đạt 78% để triển khai thi công; đã hoàn thành kiểm kê, khảo sát giá đất và phê duyệt phương án bồi thường.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, nếu tình hình hiện nay không được cải thiện, dự án có nguy cơ không đáp ứng tiến độ hoàn thành cơ bản cuối năm 2025, đưa vào khai thác toàn dự án từ năm 2026 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

Hiện Bộ GTVT đã giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Ban QLDA85 và đơn vị tư vấn lập dự án, tổ chức làm việc với các Ban quản lý dự án của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan, báo cáo bộ để chỉ đạo, triển khai các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tháo gỡ vướng mắc trong GPMB của dự án phụ thuộc rất nhiều vào các địa phương vùng dự án. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt, cũng cần có những biện pháp phù hợp và hiệu quả mới có thể tháo gỡ được nút thắt quan trọng này.

 

Ngoài chậm trễ trong GPMB, công tác xây dựng các khu tái định cho dự án mà tỉnh Đồng Nai triển khai cũng đang tương đối chậm. Để bố trí tái định cư cho người dân vùng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ có 4 khu tái định cư được xây dựng bao gồm 2 khu tái định cư tại TP Biên Hòa và 2 khu tái định cư tại huyện Long Thành. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 1 khu tái định cư xã Long Đức (huyện Long Thành) mới khởi công. Việc khởi công, xây dựng chậm các khu tái định cư đã làm ảnh hưởng đến công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, không thể bố trí tái định cư cho người dân để thực hiện thu hồi diện tích đất ở trong khu vực dự án.