Vỉa hè Hà Nội - Ứng xử với “một đường biên mềm” văn hóa

TS.KTS Vũ Hoài Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đời sống văn hóa vỉa hè phong phú và sôi động là một nét đặc trưng của người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Du khách tản bộ trên vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Du khách tản bộ trên vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Trong khi các nước phát triển, chính quyền phải mời gọi và tạo điều kiện để người dân tham gia các hoạt động ở nơi công cộng thay cho việc ở trong các căn hộ đóng kín, thì Hà Nội lại sẵn có không gian vỉa hè đa sắc và gần gũi, thân thiện cho sự hứng thú và hòa nhập của con người.

Thế nhưng quá trình phát triển, sự đa sắc của vỉa hè Thủ đô cũng tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực, cần có những biện pháp dung hòa để bản sắc độc đáo từ nếp sống xưa và nay được giữ gìn và tiếp nối.

Không gian xã hội mang tính bản sắc

Vỉa hè Hà Nội có ý nghĩa như “một đường biên mềm” nhằm mang lại sự an toàn cho người đi bộ, cũng như tạo nên cảnh quan đô thị ngăn nắp và có trật tự. Vỉa hè cũng chính là nơi chuyển tiếp giữa không gian di chuyển và lưu trú, vì vậy nó còn mang hiệu ứng rìa hay tác động rìa với mật độ và độ đa dạng cao hơn.

Lý giải cho hiệu ứng này là bởi mật độ dân cư cao và thiếu không gian sinh hoạt trong các khu phố. Điều này đã đẩy người dân ra vỉa hè; và không gian công cộng này được huy động một cách linh hoạt để phục vụ các hoạt động cá nhân hoặc thương mại.

Trên vỉa hè có đủ các hoạt động đa dạng theo nhu cầu và mong muốn của cư dân từ ăn uống, nấu nướng, giặt giũ đến các hoạt động thư giãn và thương mại. Thực tiễn này phản ánh thói quen ăn sâu của người dân Thủ đô, từ thời “Kẻ Chợ”, trong việc tích hợp không gian sống, buôn bán và việc mở rộng cửa hàng ra vỉa hè nhằm tăng khả năng tiếp cận với khách hàng.

Ranh giới, công năng của vỉa hè biến đổi từng thời điểm trong ngày một cách linh hoạt và đa dạng. Quá trình này âm thầm ăn sâu vào tiềm thức của cư dân qua nhiều thế hệ và vì thế, củng cố mối quan hệ cộng đồng bền chặt và gắn bó, trở thành một không gian xã hội mang tính bản sắc.

Trên khía cạnh tâm lý học: “niềm vui lớn nhất của con người là con người”, vỉa hè là không gian công cộng gần gũi nhất, tiện lợi nhất để phục vụ mục đích tương tác xã hội. Ngồi trên vỉa hè, nơi quán quen và không gian thoáng đãng giúp thư giãn thoải mái và tăng cường mối quan hệ xã hội của cộng đồng.

Bản thân những tương tác và mối quan hệ xã hội trên vỉa hè cũng tạo nên đặc trưng thân thiện, hiếu khách bên cạnh sự sống động của phố Hà Thành. Việc la cà trên phố giúp mọi người cảm nhận và hòa nhịp với từng hơi thở cuộc sống.

Một trong những giá trị của quán trà đá hay cà phê vỉa hè chính là địa điểm và khả năng quan sát sự sôi động, linh hoạt và đa dạng diễn ra trên đường phố. Đi đến tận cùng sâu xa của sức hấp dẫn vỉa hè vẫn chính là con người với những cuộc gặp gỡ tạo nên những giao tiếp, củng cố thúc đẩy các hoạt động xã hội.

Vỉa hè thực sự đóng vai trò như một diễn đàn thu nhỏ, không chỉ là nơi để mưu sinh hay để đi lại, vỉa hè là điểm hẹn cho những cảm xúc và ký ức thôn dã thân thương.

Đối với khách du lịch nước ngoài, đời sống vỉa hè ở Hà Nội tạo nên một sửc hấp dẫn thú vị bên cạnh yếu tố di sản kiến trúc hay những lễ hội. Việc đi bộ trên các vỉa hè hẹp, len lỏi giữa các sạp hàng hay đi qua những quán ăn vỉa hè khiến họ cảm nhận được mọi chi tiết với những cảm xúc đặc biệt.

Khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của những món ăn vỉa hè đa dạng trên phố Hà Nội; để trên hành trình đi bộ khám phá, những quán ăn hay quán bia vỉa hè bỗng chốc trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách.

Khai thác vỉa hè bằng quy chế

Vỉa hè sống động và đầy bản sắc mang lại rất nhiều ích lợi cho cư dân địa phương. Hiện tượng chiếm dụng vỉa hè trước nhà và khiến cho chúng có vẻ riêng tư rất phổ biến và đôi khi gây ra sự lộn xộn, mất trật tự, mất mỹ quan.

Về khía cạnh kinh tế, việc khai thác vỉa hè một cách tự phát chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận cư dân. Cộng đồng địa phương và chính quyền không thể thu được các khoản thuế, phí của các hoạt động khai thác này và đôi khi các “con sâu” lợi dụng các kẽ hở để trục lợi như một hình thức tham nhũng vặt.

Sự nỗ lực của chính quyền để lấy lại trật tự mỹ quan của vỉa hè diễn ra từ năm 2008. Một mục tiêu đề ra trong 10 năm với kế hoạch thay chợ truyền thống, hàng rong, quán vỉa hè bằng hệ thống trung tâm thương mại và siêu thị.

Có lẽ việc chưa tính đến tập quán, lối sống của cư dân và vì thế việc chiếm dụng vỉa hè vẫn tiếp diễn. Nếu như việc lập lại trật tự vỉa hè bằng sự cấm đoán cứng nhắc, không hài hòa giữa tình với lý, thì không thể tạo nên sự đồng thuận chung của cộng đồng, khiến các chính sách sẽ thất bại, kèm với đó là sự suy giảm lòng tin vào tính nhân văn của thể chế. Mặt khác, nhịp sống sôi động mang tính bản sắc trên vỉa hè bị đứt đoạn và có thể dẫn đến biến mất một nét đặc trưng của Thủ đô.

Khai thác vỉa hè bằng quy chế là một cách tạo điều kiện để tiếp nối bản sắc trên đường tiến tới văn minh. Trong quy chế, việc cho thuê vỉa hè như Hà Nội đã từng làm trong lịch sử là cần thiết.

Năm 1889, tức là chỉ sau 4 năm vỉa hè đầu tiên được hình thành trên phố Hàng Khảm (Hàng Khay ngày nay), chính quyền Hà Nội đã ban hành một nghị định cho thuê vỉa hè để dân mở cửa hàng hay bán cà phê với giá 40 xu/m2/năm.

Cách đây gần 20 năm, UBND TP cũng đã cho phép khách sạn Hà Nội Metropole được phép lát gỗ một phần vỉa hè để tạo nên không gian cà phê lịch lãm, sang trọng trên phố Ngô Quyền. Một quỹ bảo trì hè phố từ nguồn thu cho thuê vỉa hè, sẽ khiến những vỉa hè cho thuê sẽ được chăm sóc, bảo dưỡng nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn và kinh tế.

Trong các khu đô thị mới có lối sống văn minh hay những không gian cần sự nghiêm cẩn, việc nghiêm cấm sử dụng vỉa hè cần tiếp tục duy trì. Ở các khu vực dân cư cũ, có mật độ dân cư cao, văn hóa vỉa hè đã ngấm sâu vào đời sống, cần nghiên cứu vị trí, phạm vi và quy mô cho thuê vỉa hè một cách cẩn trọng có lý và hợp tình.

Cần có nghiên cứu kỹ lưỡng việc cho thuê, sử dụng vỉa hè theo từng loại hình hoạt động, trên từng địa bàn; có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và khảo sát, tham vấn cộng đồng dân cư để có một kế hoạch hành động linh hoạt, đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn.

Hy vọng rằng với các tiếp cận mới, vỉa hè Thủ đô sẽ trở nên văn minh, vẫn tiếp nối được bản sắc mà cách đây hơn một thế kỷ người ta đã định danh cho nó “là những thứ đích thực của Hà Nội”. Cần phát huy và chuyển hóa văn hóa vỉa hè để phục vụ lợi ích cộng đồng và làm nên một nét tươi mới đích thực của Thủ đô.