Việc cần làm

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thu gom xử lý rác thải lâu nay được lãnh đạo TP luôn quan tâm và từ năm 2010, Hà Nội đã có chủ trương hỗ trợ mỗi xã xây dựng một điểm tập kết rác thải với kinh phí 200 triệu đồng.

Đến nay, nhiều huyện đã triển khai rất tốt chương trình này và TP đang đốc thúc các đơn vị nâng tỷ lệ rác được thu gom trong ngày lên trên 87% nhằm cải thiện môi trường, cảnh quan. 
Ở  Hà  Nội, công tác tổ chức thu gom, vận chuyển trên địa bàn các huyện được thực hiện theo hai tuyến. Tuyến 1, thu gom rác thải thủ công (thu gom trực tiếp từ các cá nhân, hộ gia đình) về các điểm tập kết. Tuyến này đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản do các thôn tổ chức thực hiện, UBND các xã trực tiếp quản lý. Tuyến 2, thu gom rác từ các điểm tập kết, trung chuyển về các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định, do các đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện theo phương thức đấu thầu, đặt hàng với UBND các huyện. Kinh phí thực hiện được chi trả thông qua các hợp đồng đấu thầu, đặt hàng.
Hiện, 100% các huyện đã ký hợp đồng đấu thầu, đặt hàng công tác duy trì vệ sinh môi trường với các đơn vị vệ sinh môi trường. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn các huyện đã tăng hàng năm từ 77,48% năm 2011 lên 85% vào thời điểm hiện tại.
Về xử lý rác thải, Hà Nội đã và đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện hoàn thành công tác đầu tư xây dựng để đưa vào khai thác sử dụng dự án mở rộng 2 khu liên hợp xử lý rác thải tập trung tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) giai đoạn II – diện tích 74ha và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) diện tích 5,6ha; Hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu Liên hợp xử lý chất thải rắn quy mô cấp TP tại thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ để kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Cùng với đó, TP sẽ quản lý 3 khu liên hợp xử lý tập trung: Sóc Sơn, Xuân Sơn và Đồng Ké. Khu Xuân Sơn và Đồng Ké sẽ không chỉ xử lý rác thải sinh hoạt, mà còn xử lý cả rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại. TP còn  xây dựng tiêu chí để kêu gọi xã hội hóa đầu tư tại các khu xử lý rác và khuyến khích các huyện dành quỹ đất từ 1,5 - 3ha chôn lấp rác thải...
Những cố gắng như thế là rất lớn. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác thải nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi bế tắc, chưa giải quyết được. Nhiều làng nghề vì chưa có phương án bảo vệ môi trường phải ngừng phát triển. Nhiều nơi việc đổ và xử lý rác thải đã trở thành nguyên nhân của các cuộc khiếu kiện kéo dài, xích mích trong nội bộ, chặn xe, gây trở ngại giao thông.
Để giải quyết vấn đề này, cần thay đổi tư duy bao cấp, cụ thể hóa hệ thống pháp luật để kêu gọi đầu tư, xã hội hóa việc thu gom và xử lý rác. Rác thải xuất phát từ mỗi gia đình, ngoài chuyện tăng cường tuyên truyền, giáo dục phải áp dụng chế độ phí dịch vụ. Tiến tới phải coi rác là hàng hóa, là nguyên liệu. Kinh doanh rác thải không phải không hấp dẫn nhưng những quy định khuyến khích DN như cấp đất, cho vay vốn, giới thiệu công nghệ mới… còn thiếu và chưa cụ thể.
Với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành TP đáng sống và ưu tiên đẩy mạnh phát triển du lịch, rõ ràng TP cần có những cơ chế khuyến khích xã hội tham gia thu gom và xử lý rác thải khu vực ngoại thành một cách bài bản và phải coi đây là việc cần làm, là một yêu cầu lớn và cấp bách.