Viện Viễn Đông Bác cổ - nhịp cầu tri thức nối Việt Nam với thế giới

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viện Viễn Đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient, gọi tắt là EFEO) chính thức được thành lập ngày 20/1/1900 và hoạt động tại Việt Nam cho đến năm 1957. Từ những hoạt động thực tiễn, viện đã góp phần đặt nền móng cho nền khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam hiện đại.

 

Một thiết chế khoa học đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 15/12/1898, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập Phái đoàn Khảo cổ thường trực tại Đông Dương (Mission archéologique permanents en Indochine).

Ngày 20/1/1900, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, ra nghị định đổi tên phái đoàn này thành Viện Viễn Đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient, gọi tắt là EFEO).

Ngày 26/2/1901 của Tổng thống Pháp Émile Loubet ra sắc lệnh chính thức công nhận thành lập EFEO thuộc Bộ Giáo dục Pháp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên cùng nhân viên của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1958. Ảnh: EFEO
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên cùng nhân viên của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1958. Ảnh: EFEO

EFEO là cơ quan nghiên cứu Khoa học xã hội - nhân văn đầu tiên ở Đông Dương, có chức năng: thông qua các bảo tàng và thư viện của EFEO, góp phần vào việc nghiên cứu khảo cổ học, văn khắc, dân tộc học, lịch sử, tôn giáo, thiết chế nhà nước, ngôn ngữ và văn học của Đông Dương và vùng Viễn Đông kể cả Ấn Độ; phổ biến các kiến thức về ngôn ngữ của khu vực này qua các tài liệu; theo dõi việc bảo tồn các công trình lịch sử trên toàn cõi Đông Dương.

Cơ cấu tổ chức của EFEO gồm giám đốc và phó giám đốc là người Pháp, giám đốc do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm theo sự giới thiệu của Viện nghiên cứu văn khắc. Giám đốc đầu tiên là Louis Finot (1864 - 1935) là nhà khảo cổ học người Pháp chuyên gia về các nền văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Thành viên của viện bao gồm các nhà khoa học Pháp và Việt Nam có bằng cấp, có chuyên môn sâu về Đông phương học, về ngôn ngữ học, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật Đông Dương.

Để phục vụ khoa học, EFEO có Thư viện EFEO (nay là Thư viện Khoa học xã hội), các bảo tàng ở các nước Đông Dương, trong đó lớn nhất là Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).

EFEO còn xuất bản Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ (Bullentin de I'Ecole Francaise d'Extreme Orient – BEFEO) để đăng tải các công trình nghiên cứu của viện.

Các học giả Việt Nam ở EFEO

Lúc đầu các học giả của EFEO chủ yếu là người Pháp. Đó là các nhà khảo cổ, nhà ngôn ngữ học, nhà dân tộc học, nhà thực vật học, kiến trúc sư… chuyên nghiệp hoặc những người có kiến thức, trình độ chuyên môn cao là sĩ quan quân đội, tu sĩ, nhà truyền giáo...

Nhằm tăng cường đội ngũ chuyên gia cho học viện để thực hiện các chương trình nghiên cứu Việt Nam học nói riêng, Đông Dương học nói chung, theo sắc lệnh ngày 3/4/1920 của Toàn quyền Đông Dương, EFEO chính thức tiếp nhận các trợ lý, thư ký, văn thư, phiên dịch tinh thông Hán - Nôm, họa sĩ, thợ ảnh, nghệ nhân điêu khắc… là người bản xứ. Đến tháng 7/1939, Tổng thống Pháp lại ký sắc lệnh cho phép tuyển người bản xứ vào vị trí nghiên cứu khoa học của EFEO.

Thành viên nghiên cứu người Việt đầu tiên của EFEO là ông Nguyễn Văn Huyên. Ông được bổ nhiệm làm thành viên dự bị vào năm 1939, rồi thành viên chính thức vào năm 1942. Ngoài ra, còn có những trợ lý nghiên cứu, họa sĩ, cộng tác viên người Việt khác như: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Khoan, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thiệu Lâu, Trần Hàm Tấn, Lê Dư, Nguyễn Trọng Phấn, Công Văn Trung...

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65 thiết lập Học viện Đông phương Bác cổ (Việt Nam Oriental Institute) thuộc Bộ Quốc gia giáo dục để thay thế cho EFEO.

Tiếp đó, Nghị định số 35-NĐ (1/9/1945), Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đã giao cho ông Giám đốc Đại học vụ lúc này là ông Nguyễn Văn Huyên kiêm Giám đốc Học viện Đông phương Bác cổ.

Ngày 2/11/1945, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ra Nghị định 146/NĐ, thành lập một Hội đồng cố vấn tại Học viện Đông phương Bác cổ… để tìm những phương châm phát triển công cuộc khảo cứu về Đông phương”.

Hội đồng này gồm có các ông: Nguyễn Đỗ Cung, Lê Dư, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Thiệu Lâu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đức Nguyên (Hoài Thanh), Hồ Đạt Thăng, Nguyễn Văn Tố, Công Văn Trung.

Ông Nguyễn Trọng Phấn được cử làm thư ký cho Hội đồng.

Tiếp theo, ngày 5/1/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đã ra Nghị định cử thêm hội viên Hội đồng cố vấn của Học viện Đông phương Bác cổ, gồm các ông: Vĩnh Thụy (cố vấn chính phủ), Đào Duy Anh, Nguyễn Vạn Thọ (họa sĩ Nam Sơn)...

EFEO và nền khoa học xã hội - nhân văn Việt Nam

Về nghiên cứu khoa học, EFEO đã triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu lớn trên hầu hết các lĩnh vực khảo cổ học, dân tộc học, sử học, ngôn ngữ học, văn học, địa lý, tôn giáo, nghệ thuật để đưa đến những nhận thức toàn diện, hệ thống và sâu sắc về lịch sử, văn hóa, văn minh của Việt Nam, Đông Dương và Viễn Đông.

EFEO đã đầu tiên công bố các khái niệm của lịch sử văn minh Việt Nam như Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Bắc Sơn, Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh... Cũng EFEO đã khám phá Thánh địa Mỹ Sơn (1898), Bãi đá cổ Sa Pa (1924).

EFEO cũng đã góp phần thúc đẩy, hiện đại hóa các ngành khoa học xã hội - nhân văn truyền thống như Sử học, Hán - Nôm, văn hóa dân gian, và phong tục tập quán, kiến trúc và điêu khắc cổ…

Bên cạnh việc nghiên cứu, xuất bản các công trình về lịch sử, văn hóa Việt Nam, EFEO đã có công lớn trong việc sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, hiện vật để xây dựng thành công hệ thống bảo tàng thuộc EFEO mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bảo tàng Louis Finot là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật khảo cổ, lịch sử và nghệ thuật của các nước vùng Viễn Đông từ Ấn Độ đến Nhật Bản, chủ yếu là hiện vật của các nước Đông Dương.

Khi rút khỏi Hà Nội, EFEO đã bàn giao cho Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam "tất cả những thứ có ở trong ngôi nhà bảo tàng lúc bấy giờ, kể cả kho hiện vật gồm hơn hai vạn tiêu bản là di tích thuộc lịch sử và các nền văn hóa nghệ thuật cổ xưa của Việt Nam và một số nước Viễn Đông".

Ngoài ra, EFEO còn bảo tồn, trùng tu nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cho Việt Nam như Văn Miếu - Quốc Tử Giám (1918 - 1920), Chùa Một cột (1922), Chùa Bút tháp và chùa Phật tích (1930), một số tháp Chăm (1901 -1 903)... EFEO cũng đã nỗ lực để cứu Ô Quan Chưởng ( Hà Nội) không bị phá hủy.

Thư viện EFEO có số lượng sách, tư liệu rất lớn và đa dạng. Theo số liệu năm 1950, thư viện có: 85.000 quyển sách về vùng Viễn Đông; 25.000 bản dập bia Chàm, Khơ Me, Lào, Việt Nam và Trung Quốc; 5.700 bản viết tay, trong đó tài liệu Việt Nam là 3.500 và 516 tài liệu nguyên gốc phương Tây; 132 bản sắc phong thần; khoảng 18.000 bản ghi chép, bản sao hoặc các bản điều tra về các tục lệ địa phương, khoảng 25.000 phim, ảnh tư liệu lịch sử và văn hóa Đông Dương.

EFEO đã tạo ra một không khí học thuật mới mẻ và từ đó tác động mạnh đến quá trình đổi mới nền giáo dục từ Hán học sang Tân học lúc bấy giờ.
Sau nhiều năm gián đoạn, năm 1993, EFEO đã tái thiết lập văn phòng đại diện tại Hà Nội (1993) và TP Hồ Chí Minh (2013); và đã sớm cộng tác với các cơ quan khoa học Việt Nam thực hiện nhiều chương/công trình nghiên cứu có giá trị.

 

EFEO đã góp phần hiện đại hóa nền khoa học xã hội - nhân văn Việt Nam từ hơn 100 năm trước và hiện nay vẫn là một nhịp cầu tri thức kết nối Việt Nam với thế giới.Một đóng góp rất lớn của EFEO là đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu mới của khoa học phương Tây để nghiên cứu lịch sử, văn hóa phương Đông. Các học giả EFEO đã gắn đối tượng nghiên cứu với bối cảnh thực tế, cộng tác với cư dân và các học giả bản địa để triển khai các phương pháp nghiên cứu khoa học nhằm có kết quả chính xác, khách quan. Từ đó, EFEO đã góp phần xây dựng một đội ngũ các nhà Việt Nam/phương Đông học quốc tế, đồng thời tạo điều kiện đào tạo một thế hệ các nhà khoa học xã hội Việt Nam trong thế kỷ XX.