Việt Nam có hơn 500 triệu người dùng các ứng dụng di động hàng tháng 

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) cho biết, thời gian qua, việc ứng dụng các nền tảng số, ứng dụng số mang thương hiệu “Make in Việt Nam” đã tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về CĐS, tỷ trọng kinh tế số trong GDP qua 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%, tốc độ tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm 2022. 

Để có được những kết quả ấn tượng này, các công cụ nền tảng số đang được xem là một giải pháp thúc đẩy sự phát triển.

Việt Nam có hơn 500 triệu người dùng các ứng dụng di động hàng tháng.
Việt Nam có hơn 500 triệu người dùng các ứng dụng di động hàng tháng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được coi là đơn vị điển hình tận dụng ứng dụng các nền tảng số mang thương hiệu Make in Việt Nam, đã chú trọng thúc đẩy triển khai CĐS cảng biển và kết nối các cảng biển nhằm nâng cao năng lực, rút ngắn thời gian phục vụ.

Theo đó, Bộ GTVT đã bước đầu triển khai được 18/145 cảng biển trên phạm vi toàn quốc, sử dụng nền tảng số Make in Viet Nam, với chi phí chỉ bằng khoảng 10 - 20% giải pháp của nước ngoài.

Cũng ấn tượng như Bộ GTVT, đối với lĩnh vực viễn thông, di động trong 6 tháng đầu năm cũng thu được nhiều thành tích khi tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Qua kết quả trên cho thấy, mỗi người dùng dành trung bình thời gian là 64 giờ/tháng để sử dụng các ứng dụng di động của Việt Nam. Bên cạnh đó, tỷ lệ lượt người dùng sử dụng các ứng dụng có đăng ký trụ sở tại Việt Nam chiếm khoảng hơn 22% so với tổng số lượt người dùng của toàn thị trường Việt Nam.

Cùng với đó, trong 6 tháng các đơn vị, doanh nghiệp, nhà mạng đã cung cấp ra thị trường khoảng 60 nền tảng/ứng dụng di động phục vụ người dân. Trong đó, đối với các nền tảng có số lượng người dùng đông nhất đạt gần 75 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng; 19 ứng dụng di động có trên 5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng; 41 ứng dụng có từ 1 - 5 triệu người dùng.

Đáng chú ý, trong nhóm nền tảng có trên 1 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng, có 14 nền tảng phục vụ thanh toán số (chiếm 23,33%); 14 nền tảng phục vụ giải trí (chiếm 23,33%); 07 nền tảng phục vụ mua sắm (chiếm 11,66%).

Phải kể đến 2 nền tảng dịch vụ công của cơ quan chính phủ là ứng dụng định danh điện tử (VNeID) ước sơ bộ có 8,5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng (tăng 5 triệu người dùng người dùng so với cùng kỳ năm 2022) và ứng dụng nền tảng thiết bị di động của Bảo hiểm xã hội (VssID) có 7,5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng.

Ứng dụng định danh điện tử (VNeID) ước sơ bộ có 8,5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng.
Ứng dụng định danh điện tử (VNeID) ước sơ bộ có 8,5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng.

Đối với ứng dụng mạng xã hội Zalo và Cốc cốc cũng là nhóm dẫn đầu về số lượng thời gian người dùng với tổng cộng gần 02 triệu giờ trong 05 tháng (mỗi tháng, một người dùng sẽ dành trên 5 tiếng để sử dụng dịch vụ của 02 nền tảng này).

Thêm một điểm sáng nữa của nền tảng giải trí đang nổi lên, thu hút được đông đảo người dùng cũng phải kể đến chính là nền tảng truyền hình số VTV Go với hơn 7 triệu người dùng hàng tháng, trong đó có gần 1 triệu người dùng ở nước ngoài (VTV Go đạt 1,7 tỷ lượt xem, trung bình 280 triệu lượt xem 1 tháng).