Việt Nam có vị thế "độc nhất vô nhị" để trở thành Ủy viên Hội đồng bảo an LHQ

Bài, ảnh: Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Tình hình đã rất khác so với 10 năm trước, nhưng tôi tin Việt Nam sẽ làm tốt".

Trao đổi với báo Kinh tế&Đô thị, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra tin tưởng khả năng Việt Nam đắc cử vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) niên khóa 2020- 2021, đồng thời kỳ vọng vào sự đóng góp ý nghĩa của Việt Nam trên cương vị này. 

 Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra.

Việc Việt Nam trở thành đại diện duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 cho thấy điều gì, thưa ông?

Điều này rất tốt, thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối của các quốc gia trong khu vực đối với Việt Nam và là một sự khởi đầu rất tốt cho Việt Nam.

10 năm trước đây, Việt Nam đã là ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ và như vậy Việt Nam đã có kinh nghiệm. Cho thấy sự thuận lợi và tin cậy của các quốc gia thành viên với Việt Nam. Nhìn chung mọi khởi đầu là rất thuận lợi cho Việt Nam nhưng chúng ta phải chờ kết quả của cuộc họp Đại hội đồng LHQ.

Ông nhận xét gì về đóng góp của Việt Nam khi là ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ 10 năm trước (2008-2009)?

Có thể nói Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò quan trọng. Lần đầu tiên có chân trong HĐBA nên Việt Nam đã học được nhiều điều.

Việt Nam cũng có những đóng góp đáng kể, đặc biệt là việc thông qua Nghị quyết lịch sử của Đại hội đồng LHQ với chủ đề phụ nữ hoà bình và an ninh. Việt Nam đóng vai trò lớn trong quá trình ủng hộ, thúc đẩy thông qua nghị quyết đó. Tôi đánh giá đây là sự đóng góp rất quan trọng. 

Vai trò của Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hoà bình đang ngày càng lớn. Tháng 10/2018, Việt Nam cử 63 sĩ quan và cán bộ tham gia bệnh viện dã chiến cấp II tại Nam Sudan. Việt Nam cần tham gia tích cực và mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động này. Tôi tin các bạn cũng sẵn sàng và đang chuẩn bị hơn nữa cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Nếu lần này Việt Nam trúng cử, sẽ đối diện những thách thức và thuận lợi gì?

Các thách thức đã lớn hơn rất nhiều so với 10 năm trước bởi cả thế giới cũng đang đối phó thách thức nhiều hơn, đối mặt chia rẽ mạnh mẽ hơn, thậm chí cả sự chia sẻ trong HĐBA cũng lớn hơn so với trước kia.

Nếu Việt Nam đc bầu vào HĐBA LHQ thì tình hình đã rất khác so với 10 năm trước. Tuy nhiên Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm từ vị trí trước đây. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ giữ vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020. Đây là cơ hội để Việt Nam có một vị thế "độc nhất vô nhị" để vừa có sức mạnh đoàn kết tổng hợp, bổ sung, xây dựng quan hệ giữa LHQ và ASEAN, những mối quan hệ lớn nhầt trong toàn cầu và trong khu vực. Đó là vai trò rất đặc biệt mà Việt Nam có thể đóng góp.

Gần đây Việt Nam đã chủ trì thành công Hội nghj thượng đỉnh Mỹ-Triều II. Trong khi đó, việc phi hạt nhân hoá trên bán đảo triều tiên là ưu tiên hàng đầu của LHQ. Do đó Việt Nam có thể đóng góp tốt cho quá trình đó tại HĐBA LHQ

Một vấn đề nữa đang xảy ra ở Myanmar – đó là cộng người tị nạn Rohingya đang là thách thức với cả ASEAN và HĐBA LHQ. Việt Nam có thể đóng vai trò vừa xây dựng và tích cực cho giải quyết các thách thức này.

Còn về lực lượng gìn giữ hoà bình – trọng tâm của HĐBA, Việt Nam hiện cũng có nhiều kinh nghiệm hơn và vì thế có thể đóng góp nhiều hơn nữa, và chắc chắn sẽ có những đóng góp quan trọng đáng kể trong 2 năm tới cho quá trình này.

Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc hàn gắn sau chiến tranh, đây là lĩnh vực quan trọng cho HĐBA bởi Hội đồng phải đối phó với nhiều cuộc xung đột khắp nơi trên thế giới.

Ngày hôm nay (7/6/2019), Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương tham gia ứng cử.