Việt Nam không thao túng tiền tệ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, việc điều hành tỷ giá những năm qua trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

 Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại VIB chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Khẳng định hợp tác thương mại tốt với Mỹ 
Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo tháng 12/2020 về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Cũng trong báo cáo này, Việt Nam (cùng với Thụy Sĩ) bị phía Bộ Tài chính Mỹ xác định là "thao túng tiền tệ".

Được biết, theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Theo đó, thao túng tiền tệ được xác định thỏa mãn 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ. Cụ thể, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD. Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP. Thứ ba, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Về vấn đề này, thông cáo phát đi sáng 17/12, NHNN khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua vốn nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Đồng thời khẳng định, thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Theo NHNN, việc mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm bảo đảm hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối (DTNH) Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Ngoài ra, cơ quan này nhấn mạnh rằng, Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Mỹ. Theo đó, sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.

Làm gì để thoát bẫy thao túng tiền tệ?

Hồi đầu năm nay, trong một đánh giá gửi cho Bộ Thương mại Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ đã cáo buộc đồng tiền Việt Nam trong năm 2019 bị định giá thấp hơn 4,7% so với đồng USD. Hồi tháng 10 vừa qua, Chính phủ nước này có động thái sẽ áp thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Việt Nam cũng bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), Mỹ vẫn “để mắt” đến Việt Nam là một rủi ro bởi trước đó, Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, DTNH của Việt Nam không hẳn ở mức cao và việc tăng dự trữ là phù hợp. Không chỉ với Việt Nam, thâm hụt thương mại của Mỹ với tất cả các nước tăng từ 490 tỷ USD năm 2014 lên 617 tỷ USD năm 2019. Chính sách cắt giảm thuế mạnh và trạng thái toàn dụng lao động ở Mỹ năm 2017 đã làm tăng cầu và góp phần vào thâm hụt thương mại đang tăng. Cũng giống như quan điểm nêu trên của NHNN Việt Nam, TS Trương Văn Phước, thành viên chuyên trách Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trên thực tế, điều Chính phủ quan tâm nhất lúc này là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư, nếu phá giá mạnh VND, sự xáo trộn có thể gây thiệt hại lớn đối với cả nền kinh tế. Về cán cân vãng lai, xuất khẩu ròng tuy có thặng dư nhưng không hề lớn. Thực tế, phần chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân vãng lai chính là kiều hối, mà kiều hối thì không phụ thuộc nhiều vào tỷ giá.

Trong bài phân tích của GS David Dapice, Đại học Harvard đăng trên trên EastAsiaForum ngày 10/11/2020 với tiêu đề “Việt Nam có thể thao túng tiền tệ là một khả năng hơi xa vời”, vị này phân tích: Về xuất khẩu hàng hóa tăng từ 150 tỷ USD năm 2014 lên 264 tỷ USD năm 2019; năm 2020 vẫn tăng khoảng 2% đến hết tháng 9. Nhưng nhập khẩu hàng hóa cũng tăng nhanh, từ 148 tỷ USD năm 2014 lên 253 tỷ USD năm 2019 và hơi giảm trong năm 2020, khoảng 0,8%.

Cũng theo vị chuyên gia này, Việt Nam có nhu cầu thiết thực và chính đáng để gia tăng DTNH, nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống tiền tệ quốc gia trong bối cảnh nguồn cung USD dồi dào nhờ thặng dư thương mại, đầu tư FDI và kiều hối. DTNH của Việt Nam đã đạt khoảng 92 tỷ USD vào cuối tháng 8/2020 (chỉ bằng 4% hàng nhập khẩu), khoảng dự trữ này cũng hoàn toàn bình thường và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD. Thậm chí cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn cần tăng DTNH lên khoảng 150 tỷ USD trong vòng 12 - 18 tháng tới và có thể cao hơn nữa, nếu quy mô nền kinh tế và quy mô xuất nhập khẩu ngày càng tăng cao hơn.

Theo các chuyên gia, một số biện pháp Việt Nam có thể tiến hành để giảm thiểu rủi ro bị gắn mác thao túng tiền tệ từ Chính phủ Mỹ. Đó là giải trình với Bộ Tài chính Mỹ về nhu cầu gia tăng dự trữ ngoại hối là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam nhận được nhiều khuyến cáo của các tổ chức tài chính về thiếu hụt dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, làm rõ chính sách là hoàn toàn không sử dụng công cụ tỷ giá hay phá giá VND một cách có chủ ý để hỗ trợ xuất khẩu. Đồng thời, cần cải thiện tình trạng xuất siêu sang Mỹ thông qua việc cam kết mua thêm sản phẩm, hàng hóa Mỹ, có các biện pháp hạn chế tối đa việc hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam nhằm tìm đường tới Mỹ.

Áp thuế tiền tệ lên Việt Nam sẽ làm tổn hại quan hệ hai nước

Ngày 15/12, Phòng Thương mại Mỹ đã kêu gọi chính phủ nước này không nên áp thuế đối với Việt Nam. Trong một bài phỏng vấn gần đây, ông John Goyer, Giám đốc điều hành khu cực Đông Nam Á của Phòng Thương mại Mỹ cho biết, bất kỳ động thái nào trước phiên điều trần cuối tháng 12 của chính phủ nước này nhằm áp thuế lên Việt Nam đều không tuân thủ các thủ tục chính thức. Hành vi áp thuế này sẽ gửi thông điệp xấu đến Việt Nam và có tác động tiêu cực đến mối quan hệ song phương.
Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng lên 16,1 tỷ USD so với năm 2019. Phần lớn nhắm đến xuất khẩu nhưng hoạt động sản xuất của khu vực này có giá trị gia tăng rất thấp, trong khi hoạt động lắp ráp chip chỉ tạo giá trị gia tăng ở mức một con số. Đây là lý do tại sao tài khoản vãng lai gần như cân đối, hàng nhập khẩu chảy vào, giá trị gia tăng tạo ra rất ít và xuất khẩu trông có vẻ lớn nhưng là phản chiếu của hoạt động sản xuất ở nơi khác”- GS David Dapice, Đại học Harvard.