Việt Nam - Phần Lan hợp tác tăng cường bảo vệ, quản lý tài nguyên nước

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tìm kiếm các giải pháp bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang nỗ lực tiếp cận và học hỏi công nghệ cũng như kinh nghiệm từ nhiều quốc gia.

Phục hồi vùng nước ô nhiễm là một trong những nhiệm vụ cần đẩy mạnh.
Phục hồi vùng nước ô nhiễm là một trong những nhiệm vụ cần đẩy mạnh.

Ngày 11/10, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Nông lâm Phần Lan tổ chức Hội thảo các giải pháp ngành nước thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan Antti Kurvinen và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì Hội thảo.

Phần Lan với thế mạnh về công nghệ bổ cập nước ngầm, các cố vấn cấp cao, chuyên gia về tài nguyên nước. Đây là một trong các giải pháp mà Bộ TN&MT mong muốn thúc đẩy, kết nối xây dựng các dự án về tài nguyên nước để chia sẻ kinh nghiệp về chính sách quản lý, công nghệ; các giải pháp phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn thông qua các biện pháp quản lý, công nghệ bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Trong khuôn khổ hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tri thức, công nghệ trong quản lý nguồn nước là rất cần thiết và quan trọng nhằm giúp Bộ TN&MT xây dựng được dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) hoàn chỉnh, tiếp cận những kinh nghiệm quản lý tiên tiến của Thế giới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, hiện Bộ TN&MT đang chủ trì thực hiện xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua, bao gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

Song song với đó, các cơ quan thuộc Bộ TN&MT đã liên tục học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới thông qua sự hỗ trợ của quốc tế như Australia, Hà Lan, Pháp.. về các phương pháp quản lý, bảo trì nguồn nước... để phân tích, lựa chọn các chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan Antti Kurvinen, quản lý hiệu quả việc cung cấp và sử dụng nguồn nước ở Phần Lan là nền tảng cho những thành công vượt trội mà ngành công nghiệp nước của quốc gia này đạt được. Không phức tạp rườm rà, không dựa trên những ưu đãi của thiên nhiên, tối ưu hoá công nghệ và quản lý một cách logic, các chuyên gia Phần Lan đã tạo ra một “bản sắc” trong lĩnh vực này.

Theo đó, ở Phần Lan, các chu trình sử dụng và quản lý nguồn nước không phải lúc nào cũng đòi hỏi công nghệ tiên tiến và những khoản đầu tư lớn. Thông thường, người ta áp dụng các giải pháp khác nhau đối với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương. Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan cho rằng quan trọng là phải tăng cường năng lực quản lý của chính quyền địa phương và các bên liên quan khác như huy động khối doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia quản trị tài nguyên nước.

Mặt khác, Phần Lan hiện đã tập trung vào việc phát triển những giải pháp linh hoạt nhằm đáp ứng các nhu cầu về nước trong tương lai cũng như đáp ứng những thay đổi về điều kiện tự nhiên một cách thích hợp nhất bằng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào từng hộ gia đình, như công nghệ vòi nước và toilet tiết kiệm nước, một điều rất cần thiết cho những đô thị lớn.

Hội thảo cũng là cơ hội để kết nối các doanh nghiệp Phần Lan và Việt Nam thúc đẩy hợp tác tìm giải pháp để sử dụng hợp lý, quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước tại 2 quốc gia.