Việt Nam phản ứng với dịch bệnh Covid-19 hơn cả mong đợi

Trần Thảo-Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt quá trình phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế nhận được sự cổ vũ động viên, từ WHO đến các đồng nghiệp trên thế giới. Họ nói, nhìn thấy Việt Nam có phản ứng với dịch bệnh hơn cả họ mong đợi.

Chiều 20/2, Câu lạc bộ Cafe số và Báo Giao thông phối hợp tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch Covid-19”.
Chia sẻ những thông tin mới và góc nhìn cá nhân về chủ đề trên, có Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường; bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; bác sĩ Trần Văn Phúc- Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn.​
  Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường  thông tin tại tọa đàm.
Nhắc đến dịch bệnh Covid 19, ông Vũ Mạnh Cường cho biết, dịch bệnh này, Việt Nam nghe đến từ giữa tháng 1/2020, khi dịch xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, truyền thông nước ngoài bắt đầu đưa tin. Thời điểm này, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế đã tiến hành thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu, Cục Khám chữa bệnh lập tức lật giở lại dịch SARS, đưa ra phác đồ điều trị.
Vào giai đoạn đầu tiên, dù khá sơ khai, nhưng cũng giúp Việt Nam có định hướng điều trị ban đầu là chúng ta sẽ chiến đấu với dịch bệnh này như thế nào. Sau đó, dịch bệnh bùng phát rất nhanh và ngành y tế cũng phản ứng rất nhanh.
“Suốt từ ngày 23 tháng Chạp đến giờ, toàn bộ hệ thống ngành y tế không được nghỉ Tết 1 giờ nào. Tất cả các bộ phận như hệ thống y tế dự phòng đã kích hoạt ngay lập tức, đưa ra tất cả các kịch bản bệnh có thể phát triển để đưa ra các phương pháp đối phó khác nhau”-ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, quan trọng hơn hết, vai trò điều hành của Chính phủ rất rõ nét, các biện pháp đưa ra rất tổng thể, phối hợp nhịp nhàng các bộ ngành, địa phương để Việt Nam đối phó với dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.
“Nói về dịch bệnh, sự phối hợp các bộ phận, có lẽ sẽ cần cả một cuốn phim tài liệu. Đây là dịp hiếm có chúng ta nhìn lại tổng thể các hoạt động của ngành y tế thế nào. Bởi lâu nay, chúng tôi vẫn nghe thấy những lời than phiền oán trách ngành y tế Việt Nam thế này thế kia, nhưng thực sự qua lần này, chúng ta nhìn thấy rất nhiều về vai trò của ngành y tế”-ông Cường nói.
Đặc biệt, ông Cường cũng nhắc lại, cách đây 2 năm chúng ta đã triển khai chiến lược y tế cơ sở trong tình hình mới, và may mắn nhờ chiến dịch này, chúng ta đã phản ứng với dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả.
Suốt quá trình phòng chống dịch, ngành y tế nhận được sự cổ vũ động viên, từ WHO đến các đồng nghiệp trên thế giới. Họ nói, nhìn thấy Việt Nam có phản ứng với dịch bệnh hơn cả họ mong đợi. “Chúng tôi cũng đã cố gắng ở mức cao nhất có thể để tham gia vào công tác phòng chống dịch. Toàn bộ Vụ truyền thông chỉ có 7 người, khối lượng công việc trong dịch bệnh rất khổng lồ, nhưng chúng tôi đã đáp ứng được”- Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng cho hay.
Thời gian qua, chúng ta đã có các cấp độ, cách thức, biện pháp truyền thông khác nhau, sử dung từ những phương tiện truyền thông đơn sơ nhất đến hiện đại nhất.
Cục Viễn thông của Bộ TT&TT và các DN viễn thông đã phối hợp với Bộ Y tế mỗi ngày gửi tin nhắn về dịch bệnh đến 150 triệu thuê bao trên toàn quốc. Viettel đã lập tức thiết lập 1 tổng đài với 80 nhân viên, Bộ Y tế soạn câu hỏi để mỗi ngày giải đáp 15.000 cuộc gọi để giải toả thông tin về dịch bệnh cho công chúng. Đặc biệt giúp công chúng kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh gần họ nhất để được khám, tư vấn.
Bên cạnh sự giúp đỡ của các công ty viễn thông là sự trợ giúp của các nhà báo, các toà soạn, nhiều cơ quan báo chí mở chuyên mục về dịch bệnh, cập nhật tin thường xuyên.
Không thể không kể đến lực lượng tích cực trên mạng xã hội, mạng xã hội được sử dụng cung cấp tin chính thống đến các nhà báo trên toàn quốc, kịp thời theo dõi xử lý những thông tin chưa đúng, tin giả (fake news)…