Việt Nam tụt bậc môi trường kinh doanh: Khoảng cách với ASEAN bị nới rộng

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Worlbank (WB), Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh Việt Nam xếp hạng 69/190 nền kinh tế được đánh giá, tụt 1 bậc so với năm 2017.

Khoảng cách giữa môi trường kinh doanh của Việt Nam và các nước đứng đầu ASEAN lại bị nới rộng, đòi hỏi Chính phủ phải nỗ lực cải thiện nhiều hơn nữa.
Cuộc đua không điểm dừng

Nếu tính điểm tổng, Việt Nam có tăng từ 66,77 lên 68,36 điểm. Tuy vậy, Việt Nam vẫn tụt 1 bậc trong bảng xếp hạng về Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh của WB.
 Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính cấp giấy phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội.  Ảnh:  Hải Linh
Là người phân tích diễn biến và cũng là người đề xuất các phương án cải thiện từng chỉ số của Việt Nam trên bảng xếp hạng của WB, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) Nguyễn Minh Thảo cảm thấy sốt ruột. "Môi trường kinh doanh vẫn cải cách khá chậm so với những nỗ lực và mong muốn của Chính phủ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau các nước Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan. Trong khi đó, các nước xung quanh đang chuyển động rất nhanh. 2 năm gần đây, Malaysia cải thiện đáng kể khi lấy lại vị thế của mình trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, tăng 9 bậc lên vị trí 15. Thái Lan và Brunei liên tục có sự thăng hạng đáng kể và với tốc độ nhanh hơn Việt Nam” - bà Thảo phân tích.

Trong 10 chỉ số của WB, Việt Nam có 4 chỉ số tăng hạng gồm: Chỉ số tiếp cận điện năng, gia nhập thị trường, đăng ký sở hữu tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng. 6 chỉ số tụt điểm là thuế và bảo hiểm xã hội, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại qua biên giới, tiếp cận tín dụng, cấp phép xây dựng, giải quyết phá sản.

Những khoảng cách cần thu hẹp

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện còn tồn tại nhiều rào cản về môi trường kinh doanh, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ví như Chỉ số giải quyết phá sản vẫn ở vị trí thứ 133/190 nền kinh tế, tụt 4 bậc khi năm ngoái chỉ số này ở vị trí 129. Chỉ số Thuế và bảo hiểm xã hội lại tụt xuống tận vị trí 131, rơi tới 45 bậc so với năm ngoái (năm 2017 xếp thứ 86/190). Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư ở vị trí 89, tụt 8 bậc so với vị trí 81 của năm ngoái. Chỉ số thương mại qua biên giới xếp thứ 100, tụt 6 bậc so với vị trí 94 của năm ngoái. Chỉ số tiếp cận tín dụng ở vị trí 32, giảm 3 bậc so với vị trí 29 của năm ngoái. Chỉ số cấp phép xây dựng ở vị trí 21, giảm 1 bậc so với năm ngoái.

"Cải thiện môi trường kinh doanh cần có sự quan tâm, vào cuộc tích cực, chủ động hơn của các bộ, ngành, địa phương; cần đặt mục tiêu ưu tiên về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN. Cần tiếp tục cải thiện các chỉ số còn thấp điểm, thấp hạng và chậm cải cách, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trực tuyến, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong các hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời thiết lập cơ chế theo dõi, đánh giá và giám sát độc lập. " - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Cạnh tranh quốc gia (CIEM) Nguyễn Minh Thảo

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất chú trọng trong việc hoàn thiện môi trường kinh doanh nhưng DN vẫn kêu, kiến nghị rất nhiều. Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng CIEM nhận định, hiện vẫn còn tình trạng “không nóng đều”. Các cơ quan cấp trên chỉ đạo mạnh mẽ nhưng do thiếu sự kết nối chặt chẽ cùng với những lợi ích cá nhân dẫn đến thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan địa phương.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong khi nhiều nước cũng đang cải cách rất mạnh mẽ và nhanh thì môi trường kinh doanh Việt Nam tụt hạng làm dấy lên những lo ngại về sự suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Để rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ và chất lượng cải cách. Cụ thể, cắt giảm và minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính; các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế tư nhân cần được cụ thể hóa qua các chỉ tiêu định lượng, đồng thời ràng buộc trách nhiệm đối với tất cả các cấp chính quyền và người đứng đầu.

Đồng thời, cần tiếp tục thúc đẩy việc minh bạch, công khai thông tin. "Quan sát các năm vừa qua, tôi thấy rằng những giải pháp liên quan đến minh bạch, công khai đều được đánh giá cao, tác động rất tích cực đến hoạt động kinh doanh" - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận xét.

Nhiều điều kiện kinh doanh chưa được cắt giảm

“5 năm thực hiện Nghị quyết 19 – CP (NQ 19) có nhiều chỉ số đặt ra vẫn chưa cải thiện” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận xét tại Hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” sáng 2/11.

Ông Cung đánh giá, việc ban hành NQ 19 thường niên kể từ năm 2014 đến nay là một minh chứng rõ ràng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Tuy đã có sự cải thiện nhưng hầu hết chưa đạt trung bình ASEAN 4 như mục tiêu đề ra, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý chưa được cắt giảm. “Đây là thời điểm 5 năm, chúng ta cần xem xét và đánh giá lại những kết quả đạt được và những gì chưa đạt được để có những cách thức đổi mới trong triển khai thực hiện NQ 19 trong năm 2019” - ông Cung bày tỏ.