Vĩnh Phúc: Gỡ khó khăn trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 26 năm tái lập tỉnh (1997 – 2023), kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu lớn trên tất cả các lĩnh vực. Nhưng công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, nhất là về công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế. Ảnh minh họa: Sỹ Hào.
Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế. Ảnh minh họa: Sỹ Hào.

Phương pháp xử lý rác chủ yếu vẫn là chôn lấp thông thường

Số liệu thống kê của Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay lượng rác thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày (Dự báo đến năm 2025 khối lượng phát sinh khoảng 980 tấn/ngày).

Tỷ lệ thu gom đã đạt trên 75% ở khu vực nông thôn và trên 95% ở khu vực đô thị. Nhưng phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp thông thường (chiếm khoảng 75%), và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã, cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư (chiếm khoảng 25%). Hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường.

Để giải quyết những tồn tại bức xúc từ cuộc sống do vấn đề rác thải gây ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai công tác quản lý, cũng như cơ chế hỗ trợ về hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Trong đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đến năm 2025 là tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng quy chuẩn môi trường đạt 97% ở khu vực đô thị, và 80% ở khu vực nông thôn; tỷ lệ bãi chôn lấp rác thải được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt trên 95%.

Cuối năm 2021, Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt.

Việc quy hoạch vị trí, địa điểm và triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại các huyện, thành phố cũng là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra với những mục tiêu và lộ trình triển khai cụ thể.

Tuy nhiên đến nay, mới có nhà máy xử lý rác tại thị trấn Tam Hồng được cấp giấy phép môi trường và đi vào hoạt động với công suất 120 tấn/ngày đêm.

Trong khí đó, dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương lên 150 tấn/ngày đêm đến nay vẫn chưa hoàn thành do năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế.

Và việc triển khai dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, cũng đang gặp vướng mắc do người dân 2 xã Xuân Hòa và Ngọc Mỹ phản đối quyết liệt.

Tích cực tháo gỡ khó khăn trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt

Như vậy, sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra.

Vào tháng 10/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức họp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án trên. Sau cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có thông báo kết luận, đồng thời chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương trong thực hiện nội dung quy hoạch vị trí, địa điểm và triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải của các huyện, thành phố.

Cụ thể, đối với dự án nâng cấp nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương lên 150 tấn/ngày đêm, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu huyện khẩn trương nghiên cứu về địa điểm tại khu vực giáp Nhà máy xử lý rác thải, và báo cáo đề xuất việc kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, công nghệ phù hợp để triển khai.  

Đối với dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, huyện cần chủ động làm việc với Công an tỉnh và đánh giá tính khả thi của phương án đầu tư nhà máy xử lý rác thải đã được lựa chọn, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Đảo, Sông Lô tổ chức rà soát, bổ sung các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải vào danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.