Vĩnh Phúc: Ô nhiễm nguồn nước sông Phó Đáy đe dọa cuộc sống người dân

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi cư dân nhiều vùng nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc khan hiếm nước sinh hoạt, phải mua nước đóng bình với giá đắt đỏ để sử dụng, thì việc ô nhiễm nước sông Phó Đáy từ nhiều năm nay đang là hiểm họa đe dọa cuộc sống người dân.

Hiểm họa từ nguồn nước bị ô nhiễm

Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, ông Kiều Văn Thắng, Giám đốc nhà máy nước Tam Dương cho biết một thực tế đã xảy ra từ nhiều năm nay, đó là tình trạng ô nhiễm sông Phó Đáy. Đây là nguồn nước để các nhà máy nước sử dụng làm nguyên liệu thô sản xuất nước sạch, cung cấp cho nhu cầu sử dụng của khu công nghiệp, cũng như đô thị và cả cư dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Nguồn nước sông Phó Đáy được các đơn vị sử dụng làm nguyên liệu thô sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu của cư dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Nguồn nước sông Phó Đáy được các đơn vị sử dụng làm nguyên liệu thô sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu của cư dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
“Những năm gần đây, điều kiện kinh tế xã hội phát triển, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước tự nhiên. Ví dụ như nước thải từ các trang trại chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh xả tùy tiện ra sông hồ ngấm xuống lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, khiến nước giếng khơi, giếng khoan, và nước sông trước kia được dùng làm nước sinh hoạt thì nay đã ô nhiễm, không sử dụng được.” – ông Kiều Văn Thắng nói.

Có thực tế từng xảy ra trong thời điểm dịch bệnh gia súc gia cầm chết nhiều, người dân không chôn lấp xử lý theo quy định mà ném ra môi trường, nhất là sông hồ. Ví dụ như sông Phó Đáy, từng có thời điểm xác lợn chết "nổi kín mặt sông", khiến các cơ quan chức năng phải rất vất vả vớt xử lý. Mặc dù sông là nguồn nguyên liệu để cho các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của cư dân đô thị, cũng như các vùng nông thôn.   

“Nếu chất thải từ trang trại chăn nuôi, hoặc xác động vật chết được người dân tùy tiện đẩy ra môi trường ao hồ, sông suối thay vì chôn lấp, xử lý theo đúng quy định, thì rất nguy hiểm nên cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc xử lý – thậm chí gửi cả công văn đến các tỉnh lận cận như Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn,… để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước.” – ông Kiều Văn Thắng bày tỏ.

Chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng ô nhiễm trên sông Phó Đáy

Được biết, nguồn nước sông Phó Đáy bắt nguồn từ tỉnh Bắc Kạn, chảy qua các huyện Yên Sơn và Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang và qua huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc. Dọc trên sông Phó Đáy có nhiều hoạt động khai thác tài nguyên, vận chuyển hàng hóa, ngoài ra các khu vực xung quanh sông nhiều trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra sông, suối làm ô nhiễm nguồn nước.

Sông Phó Đáy đoạn qua khu vực cầu Liễn Sơn (cũ), huyện Lập Thạch. 
Sông Phó Đáy đoạn qua khu vực cầu Liễn Sơn (cũ), huyện Lập Thạch. 

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có mặt tại một số điểm đầu nguồn, nước sông tại những nơi này được bơm lên để chứa vào bể lắng, dùng làm nước thô, phục vụ quy trình sản xuất nước sạch. Ở điểm cầu Liễn Sơn (cũ), thuộc huyện Lập Thạch hoặc cầu Đại Đình, huyện Tam Đảo, trên mặt sông vẫn tồn tại nhiều rác, và thậm chí bốc mùi hôi thối từ xác động vật chết.  

Để công tác sản xuất nước sạch đảm bảo chất lượng theo quy định, các đơn vị sản xuất cung ứng nước sạch đã áp dụng nhiều biện pháp về cấp nước an toàn, không ngừng nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ mới, thường xuyên tuần tra kiểm soát cảnh báo khu vực khai thác nguồn nước mặt, lên phương án phòng ngừa ứng cứu khi có rủi ro về nguồn nước xảy ra, thông báo đến các cơ quan địa phương và chủ chăn nuôi…

"Nhưng, việc xả thải trực tiếp ra môi trường nước chưa được các chủ cơ sở sản xuất, chăn nuôi chú trọng, vẫn còn nhiều hộ tự ý xả thải, vứt xác động vật chết ra môi trường với số lượng lớn.” – ông Kiều Văn Thắng, Giám đốc nhà máy nước Tam Dương cho biết.

Hiểm họa về ô nhiễm nguồn nước trên sông Phó Đáy từng được các cơ quan chức năng của tỉnh nắm được từ nhiều năm trước, và có văn bản chỉ đạo xử lý. Tại văn bản số 6293/UBND-NN ngày 17/8/2020, gửi UBND các tỉnh Bắc Kạn; Tuyên Quang,  UNND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ:

Qua theo dõi diễn biến chất lượng nước sông Phó Đáy có chiều hướng suy giảm, do chưa kiểm soát tốt việc xả thải vào nguồn nước trên lưu vực sông Phó Đáy, đặc biệt là nước thải sinh hoạt và chăn nuôi. Tình trạng vứt xác gia súc, gia cầm chết và đổ rác thải sinh hoạt ra kênh, sông, suối vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương...

Để cải thiện nâng cao chất lượng nguồn nước mặt sông Phó Đáy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các tỉnh nói trên, chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các cấp trên địa bàn thuộc quyền quản lý tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Phó Đáy nói riêng.

Biện pháp đảm bảo an ninh tài nguyên nước của tỉnh Vĩnh Phúc

Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề trên, ông Phạm Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết. Tại tỉnh Vĩnh Phúc nguồn nước mặt (sông suối ao hồ) ngày càng đóng vai trò quan trọng, và được ưu tiên lựa chọn và để làm nguồn nước thô phục vụ cấp nước cho đô thị Vĩnh Phúc nói riêng và cho toàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Đối với sông Phó Đáy, vai trò quan trọng nhất là cung cấp nước cho hệ thống thủy nông Liễn Sơn dài 175 km, tưới cho khoảng 14.000 ha ruộng của các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Mê Linh (nay thuộc về Hà Nội). Nhưng hiện tại nước sông Phó Đáy còn được sử dụng làm nguồn nước thô để xử lý phục vụ cấp nước sinh hoạt.

 “Hiện nay, hệ thống cấp nước của tỉnh Vĩnh Phúc đang chủ yếu sử dụng nguồn nước dưới đất (với trữ lượng khoảng 1,3 triệu m3 /ngày) phục vụ cho cấp nước các đô thị và khu công nghiệp. Tuy nhiên, để bảo tồn nguồn nước dưới đất trong tương lai, chủ trương của tỉnh là ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn.”  - ông Phạm Mạnh Cường chia sẻ.  

Công tác kiểm tra mẫu nước đảm bảo vệ sinh an toàn trong nhà máy nước Tam Dương, trước khi cung cấp đến người dân sử dụng.
Công tác kiểm tra mẫu nước đảm bảo vệ sinh an toàn trong nhà máy nước Tam Dương, trước khi cung cấp đến người dân sử dụng.

Ông Phạm Mạnh Cường cho biết thêm, thực tế hiện nay cho thấy, kết quả tính toán, dự tính sức chịu tải trên các sông chính trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc, nhìn chung sức chịu tải của sông đối với các thông số ô nhiễm có khả năng giảm sút.

Đặc biệt các thông số về Amoni (chất thải ô nhiễm từ động vật, hoặc nước cống) và TSS (chỉ số được dùng để đo độ ô nhiễm của nước) đã có xu hướng quá sức chịu tải của các sông chính. Ngoài ra các thông số về Phosphate và COD (khối lượng của các chất ô nhiễm hữu cơ tìm thấy trong nước) cũng có nguy cơ vượt quá khả năng chịu tải của sông. Do vậy, rất cần có các biện pháp xử lý và giảm thiểu nguồn thải một cách kịp thời và thích hợp.

Để tăng cường công tác quản lý nguồn nước mặt, ngày 23/6/2023 mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nội dung Quyết định nêu rõ, trước thực trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của của dân ngày càng tăng, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả bền vững môi trường, đặc biệt là tài nguyên nước để đảm bảo an ninh tài nguyên nước của tỉnh, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay.

Về vai trò của Sở TN&MT, ông Phạm Mạnh Cường cho biết, Sở sẽ tham mưu xây dựng lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ các chất thải ra môi trường, đặc biệt là nước thải xả vào nguồn nước phải đạt quy chuẩn chất lượng nước phù hợp với chức năng của nguồn nước.

Hạn chế và tiến tới việc cấm sử dụng các loại hoá chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản gây ô nhiễm nguồn nước, đồng thời quản lý chặt chẽ khai thác nước dưới đất.