Vĩnh Phúc: Sẵn sàng khai hội Tây Thiên xuân Giáp Thìn 2024

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo UBND huyện Tam Đảo cho biết địa phương đã xây dựng xong kịch bản Lễ hội Tây Thiên xuân Giáp Thìn 2024, và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng các phương án bảo đảm an toàn cho du khách.

Lễ hội Tây Thiên xuân Giáp Thìn 2024 sẽ tổ chức từ ngày 24 đến 26/3 (tức 15 tháng hai đến 17 tháng 2 Giáp Thìn). Ảnh minh họa Sỹ Hào.
Lễ hội Tây Thiên xuân Giáp Thìn 2024 sẽ tổ chức từ ngày 24 đến 26/3 (tức 15 tháng hai đến 17 tháng 2 Giáp Thìn). Ảnh minh họa Sỹ Hào.

Đảm bảo an toàn cho du khách

Trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo Vũ Thị Bích Ngọc cho biết: Lễ hội Tây Thiên xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức từ ngày 24/3 đến ngày 26/3 (tức ngày 15/2 đến 17/2 Giáp Thìn).

 “Đến thời điểm hiện tại UBND huyện Tam Đảo và BTC Lễ hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành lễ hội Tây Thiên xuân Giáp Thìn 2024. Ban Tổ chức đã tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất của các kiệu (đền Mẫu Sinh, đền Mẫu Hóa, đền Ngò) đảm bảo đủ điều kiện cho lễ rước; chuẩn bị lực lượng cho đội Tế, đội Bát âm, đội múa Sênh tiền và đội hình rước kiệu” – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo Vũ Thị Bích Ngọc cho biết.

Theo Ban Tổ chức Lễ hội Tây Thiên, càng gần đến thời điểm khai mạc Lễ hội, số lượng du khách kéo về du xuân ngoạn cảnh tại Khu danh thắng Tây Thiên càng đông, bình quân mỗi ngày đón 2,2 vạn du khách.

Về phương án đảm bảo an ninh trật tự, Công an huyện Tam Đảo đã xây dựng kế hoạch số 246/KH - CATĐ - AN ngày 22/01/2024 về việc đảm bảo an ninh trật tự lễ hội Tây Thiên năm 2024; ban hành Quyết định số 77/QĐ-CATĐ-TM về việc thành lập tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại Khu danh thắng Tây Thiên, đồng thời đề nghị Ban Giám đốc Công an tỉnh tăng cường lực lượng hỗ trợ các ngày nghỉ lễ.

Tiến hành kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại gian lận, hàng giả, hàng kém chất lượng trong mùa lễ hội. Kiểm tra vệ sinh - ATTP ở các nhà đền, nhà hàng và các điểm dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội.

Tổ chức các lực lượng tuần tra, ngăn ngừa, triệt phá các tệ nạn xã hội như: úp xu ăn tiền, đánh bạc, các đối tượng ăn xin, ăn mày và các hành vi lừa đảo, gây rối, mê tín dị đoan trong khu vực. Liên hệ với Công an tỉnh bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy; phối hợp các ngành chức năng ở huyện làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, chữa cháy tại các di tích và khu vực tổ chức lễ hội.

Trung tâm Y tế ban hành Kế hoạch số 61/KH-TTYT ngày 05/02/2024 về đảm bảo công tác Y tế, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm tại Lễ hội Tây Thiên xuân Giáp Thìn 2024; ban hành Quyết định số 40/QĐ-TTYT ngày 05/02/2024 về việc thành lập Tổ đảm bảo công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm tại Lễ hội Tây Thiên xuân Giáp Thìn năm 2024.

UBND thị trấn Đại Đình đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, kế hoạch trông giữ phương tiện. Thành lập 02 tổ: Tổ tuyên truyền và Tổ an ninh trật tự. Mở thêm bến xe trông giữ phương tiện của du khách tại khu vực hạ tầng tái định cư.

Hành hương về nguồn cội

Di tích danh thắng Tây Thiên với hệ thống đền thờ có từ hàng nghìn năm nay tại tỉnh Vĩnh Phúc được lập để tưởng nhớ công ơn Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu - người trang Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Tây Thiên được đông đảo người dân và du khách tham dự. Ảnh minh họa Sỹ Hào
Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Tây Thiên được đông đảo người dân và du khách tham dự. Ảnh minh họa Sỹ Hào

Quốc Mẫu khi còn tại thế là vợ của vua Hùng Vương thứ bảy (Hùng Chiêu Vương – Lang Liêu), người có công cầm quân chống giặc giữ yên bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Sau khi mất, bà thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được người dân thực hành thông qua các nghi lễ, lễ hội tại các di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc hàng năm.

Đến năm Cảnh Hưng 24 (1763) đời vua Lê Hiến Tông, Quốc Mẫu Tây Thiên được Bộ Lễ triều nhà Lê xếp vào vị trí thứ 2 (trong danh sách 19 vị sơn thần). Bài vị thần hiệu của Quốc Mẫu là “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương”.

Để tưởng nhớ Quốc mẫu Tây Thiên, hằng năm vào ngày 15/2 âm lịch (ngày mất của Quốc mẫu), nhân dân Vĩnh Phúc nói chung và người dân thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo nói riêng lại mở hội để cùng khách thập phương tưởng nhớ công đức, tỏ lòng biết ơn và cầu xin Quốc mẫu phù hộ cho bình an, may mắn.

Quốc mẫu Tây Thiên được thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn danh hiệu Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh Đại vương - Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ).

Hàng năm, lễ hội Tây Thiên diễn ra từ ngày 14 đến 17/2 âm lịch, bao gồm phần lễ và phần hội với các trò chơi, trò diễn, diễn xướng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ buổi đầu sơ khai thời các Vua Hùng dựng nước, gắn với tín ngưỡng phồn thực và các làn điệu dân ca, dân vũ của người Việt, của dân tộc thiểu số Sán Dìu định cư chân núi Tam Đảo.

Nhân dân đến với Tây Thiên du xuân ngoạn cảnh, dâng hương lễ Phật, lễ Mẫu thực sự là một chuyến hành hương tìm về nguồn cội, hiểu thêm về giá trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha.