“Với tôi, dạy chế biến món ăn không chỉ là đam mê!”

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm làm nghề nấu ăn trong khách sạn với mức thu nhập khá, nhưng anh Mai Chung Chiển luôn có mong muốn trở thành thầy giáo. Bởi vậy, anh Chiển đã xin ứng tuyển vào vị trí giáo viên dạy nghề của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Những ngày này, phòng Đào tạo nghề của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tràn ngập hoa, trái cây của học viên đến chúc mừng. Không những thế, nhiều năm nay, các nhóm học viên tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến từ quận Long Biên, huyện Chương Mỹ thường mang hoa, đồ ăn đến tận nhà thầy giáo Mai Chung Chiển để liên hoan. Tất nhiên, họ còn báo cáo với thầy giáo những công việc đã làm được trong năm qua, ai đang khó khăn về việc làm thì nhờ thầy Chiển hỗ trợ.

 Thầy Chiển đang trình bày món ăn

“Tôi đã có hơn 10 năm làm giáo viên dạy Kỹ thuật chế biến món ăn ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Tiếp tục theo đuổi sự nghiệp đến cùng là mục tiêu của tôi. Chắc hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên bởi đa số người học bị thất nghiệp, có độ tuổi và trình độ nhận thức không đồng đều, người dạy rất vất vả? Đúng là như vậy. Những trở ngại ấy không là gì, khi bạn có niềm say mê cũng như luôn tận tâm với họ. Hơn nữa, người thất nghiệp luôn xác định học nghề là cho mình nên rất quyết tâm” – Phó Trưởng phòng Đạo tạo nghề Mai Chung Chiển mở đầu câu chuyện về nghề giáo của mình như vậy đó.

Nhưng, những người thất nghiệp luôn có tâm trạng không thoải mái, lại có cả học viên khuyết tật. Thầy có bí quyết gì để không khí lớp học luôn sôi động? “Tôi nhấn mạnh đến yếu tố tay nghề, tiếp đến là niềm đam mê và kỹ năng sư phạm truyền đạt cho học viên hiểu. Thông qua hồ sơ của học viên, người thầy sẽ hiểu ai có hoàn cảnh gia đình, kinh tế ra sao. Trong lớp học thầy luôn quan sát từng người để nắm bắt tính cách cũng như khả năng, năng khiếu để có cách dạy phù hợp. Những học viên gia cảnh khó khăn, sức khỏe không tốt, phải đi đoạn đường dài mới đến được lớp, tôi kể tấm gương đi trước có cùng hoàn cảnh nỗ lực vươn lên trở thành ông chủ, để họ hứng thú học. Học viên làm bài chưa đạt, mình góp ý mang tính xây dựng để lần sau họ làm tốt hơn ” – thầy Chiển chia sẻ bí quyết.

 Thầy Chiển đang kiểm tra học viên thực hiện món chân giò hầm

Thầy Chiển cho biết: “Giúp học viên cảm thấy việc học nghề rất hữu ích, tôi thường dành thời gian lui tới các nhà hàng, khách sạn tìm hiểu, từ đó thiết kế ra những món mới từ nguồn thực phẩm dồi dào và phong phú”.

Đối với từng học viên, tham gia lớp học Kỹ thuật chế biến món ăn không chỉ để nâng cao giá trị dinh dưỡng, giúp sức khỏe của các thành viên trong gia đình tốt hơn mà còn muốn được thay đổi công việc. Nắm bắt được điều này, ngoài việc giảng hết nội dung của các bài trong chương trình, thầy Chiển chỉ cho học viên cách kinh doanh hiệu quả. Chẳng hạn, học viên có thể tự mở cửa hàng bán đồ ăn sáng theo món như: Bún, phở, miến, xôi,…; chuyên các món được chế biến từ cá (cá nướng, cá kho, nem cá…). Để tiết kiệm chi phí, thầy bày cho học viên cách tự chế các loại gia vị rất đơn giản nhưng lại mang đến cho món ăn hương vị đặc biệt và đảm bảo an toàn. Đó là cách làm mẻ từ cơm nguội, nấu cá cực thơm ngon; ra chợ mua cây lá nếp về trồng, mỗi lần nấu chè cho vào vài lá tạo mùi thơm đặc trưng.

Với những cử chỉ ân cần, tận tâm của thầy Chiển, có những học viên buổi đầu đến lớp với tâm trạng chán nản nhưng vài bữa sau sôi nổi hẳn lên và quyết chí học. Nhận xét về thầy Chiển, chị Phan Minh Ngọc đang học lớp Kỹ thuật nấu ăn cho hay: “Thầy Chiển hiền hòa lắm, không la mắng bao giờ. Thầy có nhắc nhở ai đó thì cũng hết sức nhẹ nhàng, thi thoảng lại pha câu hài hước. Thầy ấy thật dễ thương”.

“Hàng năm, cứ đến ngày 20/11 tôn vinh nhà giáo là dịp để chúng tôi nhìn lại mình trong năm qua đã dạy nghề được cho bao nhiêu người. Chúng tôi sẽ cố gắng có những bài giảng hay, sinh động, thiết thực để học viên phấn khởi, sớm có việc làm là hạnh phúc lắm rồi!”- thầy Mai Chung Chiển chia sẻ.