Vốn FDI tăng trưởng: Cơ hội hay thách thức?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết quý III/2019 tổng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS đạt gần 2,8 tỷ USD, đứng thứ hai về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong bối cảnh thị trường đang bị chững lại nguồn vốn này có tác dụng lớn đến hoạt động kích cầu, nhưng bên cạnh đó cũng sẽ mang đến nhiều thách thức cho thị trường.
Kỳ vọng cuối năm
Số liệu báo từ Tổng cục Thống kê công bố, tính từ đầu năm đến hết quý III/2019, Việt Nam đã thu hút 2.759 dự án đầu tư nước ngoài cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 10,97 tỉ USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 1.037 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,79 tỉ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,77 tỉ USD, chiếm 10,6%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI được ghi nhận có sự tăng trưởng mạnh vào những địa bàn có du lịch – nghỉ dưỡng phát triển tại miền trung và các tỉnh ven Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Kiên Giang… trong đó, tại khu vực Bắc Trung bộ ghi nhận có nhiều khởi sắc trong thời điểm hiện tại.
 Các dự án BĐS ven biển đang có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư.
Cụ thể, tại Thanh Hóa, có thể kể đến như siêu dự án quy mô 1.200ha tại Sầm Sơn do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư. Tập đoàn Vingroup cũng đang triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch dự án khu nghỉ dưỡng cạnh suối cá Cẩm Lương, quy mô vào khoảng 17,8ha.
Còn tại Nghệ An, siêu dự án khu giải trí Cửa Hội của Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, quy mô 195,5 ha chuẩn bị triển khai cũng đang làm "nóng" thị trường đất nền ven biển nơi đây.
Vốn đầu tư FDI Không chỉ đổ vào khu vực ven biển các tỉnh miền Trung với lợi thế về du lịch – nghỉ dưỡng; mà còn được tập trung và các địa bàn có công nghiệp phát triển. Tại địa bàn là “thủ phủ” của công nghiệp, như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… thị trường cũng đang cho thấy tín hiệu trở lại, với mức giá bán căn hộ ở ngưỡng khoảng 20 triệu đồng/m2, đất nền khoảng 10 triệu đồng/m2.
Theo ông Trần Quốc Việt – Hiệp hội BĐS Việt Nam, với diễn biến như trên thị trường BĐS cuối năm sôi động trở lại. “Nhà đầu tư đang có xu hướng tìm về những tỉnh ven biển, đó là những vùng đất giàu tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác, những thị trường căn hộ giá rẻ nhưng tỷ suất lợi nhuận cho thuê cao” – ông Việt nhìn nhận.
Nhiều thách thức
Chuyên gia Vũ Đức Tuyên – Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, thời điểm hiện tại thị trường BĐS đang bị kiểm soát chặt chẽ về thủ tục pháp lý và nguồn vốn vay phát triển dự án. Buộc những nhà phát triển BĐS phải tìm những kênh tài chính mới để thay thế, thông qua các hình thức: phát hành trái phiếu BĐS, liên doanh hợp tác nước ngoài… trong lúc thị trường khó khăn, nguồn vốn FDI có tác động tích cực đến việc kích thích nguồn cung cho thị trường,  là phương án hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp BĐS khi đầu tư phát triển dự án.
Tuy nhiên, việc “dòng chảy” của nguồn vốn FDI tập trung nhiều vào lĩnh vực BĐS sẽ mang lại nhiều giá trị không tốt với thị trường. Nhiều dự án lớn bị đình trệ, không thể triển khai, trong khi đó việc sử dụng nguồn vốn FDI hay ưu đãi từ các dự án của vốn FDI mang lại nhiều rủi ro, nhiều dự án bị giảm quy mô do vướng thủ tục và bị điều chỉnh kéo dài. Một số trường hợp doanh nghiệp nước ngoài tiến hành chuyển nhượng quỹ đất lấy lời cao hoặc mục đích chiếm dụng quỹ đất lớn ở vị trí đẹp.
“Ngoài ra, nhiều dự án tiếng là đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng thực tế doanh nghiệp lại không mang ngoại tệ đến Việt Nam mà sử dụng chính dự án được cấp phép thế chấp ngân hàng tại Việt Nam để phát triển dự án. Điều này mang đến những thách thức và rủi ro lớn cho thị trường” – ông Tuyên nhìn nhận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần