Vốn tín dụng chính sách, đòn bẩy xây dựng nông thôn mới

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân trên địa bàn Hà Nội có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...

Đây chính là động lực quan trọng góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Điểm tựa phát triển kinh tế nông thôn

Là huyện đi đầu trong Chương trình xây dựng NTM của thành phố, đến nay huyện Đan Phượng đã đạt chuẩn NTM nâng cao và đang tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, cũng như người dân, có được kết quả đó, có một phần đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng chính sách, là đòn bẩy giúp địa phương trong phong trào xây dựng NTM.

Người dân giao dịch vay vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đan Phượng
Người dân giao dịch vay vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đan Phượng

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội CSXH huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Bằng cho biết, 9 tháng năm 2023, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Doanh số cho vay đạt 148 tỷ đồng, cho hơn 3.500 lượt khách hàng được vay vốn, duy trì và tạo việc làm cho gần 3.000 lao động, xây dựng và cải tạo được 1.700 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. “Thông qua nguồn vốn đã góp phần duy trì và tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; góp phần cùng huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với tiêu chí phát triển thành quận giai đoạn 2021 – 2025” – ông Bằng cho biết.

Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH từ năm 2008 thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, gia đình chị Đỗ Thị Thúy (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) đã có nguồn lực để đầu tư phát triển trang trại bưởi tôm vàng kết hợp chăn nuôi lợn. Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn của địa phương, đến nay gia đình chị Thúy đã có thu nhập ổn định khoảng 120 triệu đồng/năm. “Tôi rất cảm ơn Ngân hàng CSXH huyện đã hỗ trợ gia đình vay vốn để chăn nuôi, trồng bưởi, từ đó giúp gia đình có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững” - chị Thúy bày tỏ.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đan Phượng kiểm tra mô hình vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đan Phượng kiểm tra mô hình vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện.

Đến với huyện Phúc Thọ, thành quả của Chương trình xây dựng NTM cũng hiện hữu rõ nét, làng quê giàu đẹp, văn minh, đời sống người dân được nâng cao.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phúc Thọ Đàm Quốc Thịnh cho biết, triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo Chi nhánh, UBND các xã, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tập trung nguồn lực triển khai cho vay đối với người dân và các doanh nghiệp. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân tại các xã đã đẩy mạnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập… qua đó đã góp phần phục vụ kịp thời chương trình xây dựng NTM của huyện.

Không chỉ giúp các hộ dân phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần ổn định an sinh xã hội ở nông thôn. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Tiến Quyền, thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ. Nhớ lại thủa mới khởi nghiệp với xưởng mộc, anh Quyền luôn trăn trở về nguồn vốn để đầu tư mua máy móc, nguyên liệu. Qua tìm hiểu, gia đình anh đã tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, trong đó có ngân hàng CSXH huyện. “Với thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất ưu đãi, nguồn vốn tín dụng chính sách chính là “cứu tinh” của tôi trong những ngày đầu khởi nghiệp. Từ nguồn vốn đó, đến nay gia đình có thu nhập từ 50-60 triệu đồng/tháng và tạo công ăn việc làm cho 8 lao động địa phương với mức lương trung bình 15 triệu đồng/tháng” – anh Quyền cho hay.

Cơ sở sản xuất mộc của anh Nguyễn Tiến Quyền, thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ đang tạo việc làm cho 8 lao động địa phương.
Cơ sở sản xuất mộc của anh Nguyễn Tiến Quyền, thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ đang tạo việc làm cho 8 lao động địa phương.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Theo số liệu thống kê của Chi nhánh NHCSXH Hà Nội, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố đến 30/6/2023 đạt 3.039 tỷ đồng. Trong đó tổng doanh số cho vay tại 382 xã đạt chuẩn NTM thuộc 18 huyện, thị xã đạt 2.069 tỷ, doanh số thu nợ đạt 1.600 tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn 18 huyện, thị xã đạt 9.726 tỷ đồng.

 

"Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách là động lực quan trọng giúp địa phương xây dựng thành công xã NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của Nhân dân ngày càng nâng lên, vì vậy chúng tôi mong muốn Ngân hàng CSXH tiếp tục tạo điều kiện, tăng định mức vốn vay cho các đối tượng vay" - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng Nguyễn Tiến Dũng.

Giám đốc Ngân hàng CSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Ngân hàng CSXH Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; chỉ đạo các Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội gắn với triển khai thực hiện có hiệu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy. Qua đó, nguồn vốn đã kịp thời được giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch.

Cơ sở sản xuất chun tại huyện Phúc Thọ được vay vốn tín dụng chính sách.
Cơ sở sản xuất chun tại huyện Phúc Thọ được vay vốn tín dụng chính sách.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, chung tay xây dựng NTM, trong thời gian tới Ngân hàng CSXH Thành phố tiếp tục tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương và Ngân hàng CSXH trong việc xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án để triển khai thực hiện Chương trình NTM. Đồng thời, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Quyết, thực tế hiện nay nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn. Do đó, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng CSXH Thành phố theo Kế hoạch số 227/KH-UBND để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 góp phần thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU. Trong đó, năm 2023 đề nghị bổ sung 400 tỷ đồng; năm 2024 và 2025 bổ sung 1.200 tỷ đồng.