Vốn tín dụng chính sách kéo giảm hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2023, vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội, với tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 14.161 tỷ đồng, gần 267 nghìn khách hàng đang vay vốn.

Báo cáo tại Ngày Hội nghị đại biểu người lao động và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hà Nội, Phó giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Đào Sỹ Hải cho biết, tính đến 31/12/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ủy thác qua Chi nhánh đạt 14.161 tỷ đồng, gần 267 nghìn khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đang vay vốn, tăng 1.430 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng là 11,2% và hoàn thành 99,9% kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2023.

Năm 2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 14.161 tỷ đồng.
Năm 2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 14.161 tỷ đồng.

Tăng trưởng dư nợ đi đôi với quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; đến cuối năm 2023, nợ quá hạn của chi nhánh là 2,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,016% trên tổng dư nợ tín dụng. Toàn Chi nhánh có 14 đơn vị cấp huyện không có nợ quá hạn, tăng 3 đơn vị so với đầu năm; 533/579 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn, tăng 9 xã so với đầu năm.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách giải ngân trong năm 2023 đã giúp cho 87 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 80.507 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 84.000 lao động; hỗ trợ vốn cho 296 lượt học sinh, sinh viên (HSSV) trang trải chi phí học tập, 5 lượt HSSV mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí cho 26.064 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo 52.091 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay 22 lượt cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19;  20 khách hàng là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất kinh doanh... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết khen thưởng các tập thể giành giải Nhất chuyên đề thi đua năm 2023.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết khen thưởng các tập thể giành giải Nhất chuyên đề thi đua năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Quyết Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2024, Chi nhánh tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2024; tăng trưởng dư nợ gắn với quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng công tác ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội, hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đối chiếu, phân loại nợ theo định kỳ…

Năm 2024, dư nợ phấn đấu hoàn thành trên 99% kế hoạch được Trung ương và Thành phố giao, tốc độ tăng trưởng tín dụng tối thiểu đạt khoảng 8-10% so với năm 2023. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, tạo tiệc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của thành phố năm 2024.