Vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chuyển từ “may sẵn” sang "may đo"

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng tương đương 1 triệu 470 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Trong khi Quỹ phát triển DNNVV vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng nhưng chỉ cho vay được 140 tỷ đồng; 28 quỹ bảo lãnh DNNVV ở các địa phương cho vay được 500 tỷ đồng. Số liệu trên được đưa ra tại Diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho DNNVV" tổ chức chiều 7/8.

Khó vay vì thiếu minh bạch thông tin

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, DNNVV chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách. Các ngân hàng hiện đang rất rộng cửa với DNNVV. “Các chính sách hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV khá đồng bộ, NH đã ban hành Thông tư đặt DNNVV là đối tượng ưu tiên.
 Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH Tâm Hợp, khu công nghiệp Sóc Sơn.  Ảnh:  Thanh Hải
Riêng các lĩnh vực, đối tượng ưu tiên được vay với lãi suất trần là 6,5%, đẩy mạnh triển khai các chương trình kết nối ngân hàng – DN tại các địa phương. Luật TCTD ghi rõ, vay tài sản đảm bảo hay không là do TCTD quy định”. Tuy vậy, theo ông Hùng, DN vẫn khó tiếp cận vốn vay do thiếu minh bạch thông tin, TCTD thiếu thông tin về DN, không kiểm soát được dòng tiền dẫn đến khó cho vay. Thời gian thành lập DN ngắn nên không đáp ứng được điều kiện về báo cáo thuế trên 3 năm, không có báo cáo tài chính chuẩn theo yêu cầu...

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, đến thời điểm này, DNNVV, DN siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đạt gần 6 triệu đơn vị. Trong số này chỉ có 2 triệu có đăng ký, gồm 1,3 triệu đơn vị và hơn 600.000 DN có đăng ký, số còn lại hoạt động trong khu vực không chính thức mà phi chính thức thì sẽ ít minh bạch và phi minh bạch. Ngay trong 2 triệu đơn vị có đăng ký thì sự minh bạch trong quản trị cũng luôn là điểm yếu với rất nhiều DN. Bên cạnh đó, dự án kinh doanh thiếu khả thi cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng “nói không” với DNNVV.

"UBND các tỉnh, TP tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNNV quy định tại Luật và hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư. Phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... Các Hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình làm cầu nối cho các DNNVV tiếp cận với các ngân hàng; Đầu mối trong việc hỗ trợ cho các DNNVV về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các DN thành viên. " - Vụ trưởng Vụ Tín dụng

các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Quốc Hùng

Được biết, Việt Nam xếp trong 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng Việt Nam cũng nằm trong 20 nền kinh tế có khả năng thiết thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp thấp nhất. Cho nên hơn bao giờ hết, cần phải nâng cao năng lực quản trị gắn liền với đó là việc minh bạch hóa để DNNVV dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và các định chế tài chính nói riêng.

Thêm phương thức cho vay mới

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, các ngân hàng cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra phương thức cho vay mới, căn cứ vào ý tưởng và phương án kinh doanh. Ví dụ cho vay vốn dựa trên cây trồng vật nuôi của người nông dân, bằng chính cánh đồng của họ. Các TCTD, các công ty bảo hiểm cần tương tác, bọc lót nhằm hỗ trợ DNNVV. Cần có thêm hình thức cho vay kiểu “may đo” chứ không phải “may sẵn”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, đồng thời đề nghị khuyến khích cho vay theo chuỗi cung ứng. “Cho vay chuỗi khép kín thì chỉ cần từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ, ngân hàng quản lý được dòng tiền thì sẽ yên tâm cho DN tiếp cận được vốn”.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, để có thể tìm tiếng nói chung, cả hai bên cần đặt mình vào vị trí của đối phương. DN cần cụ thể hóa ý tưởng của mình, minh bạch thông tin dựa trên 5 tiêu chí: Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, đúng đối tượng và cung cấp những gì cần thiết. Về phía ngân hàng, cần đặt mình vào quy mô “siêu nhỏ” của DN để hiểu những khó khăn trong việc trình bày kế hoạch sản xuất kinh doanh/phương án vay vốn cũng như duy trì bộ máy kế toán tài chính để đáp ứng các yêu cầu của mình.

“Ngân hàng và DN không chỉ là quan hệ cho vay, ngân hàng cần là tổ chức tư vấn, đồng hành cùng DN. Các ngân hàng có lợi thế trong việc kết nối, dẫn dắt đối tác cho các DN trong đầu tư kinh doanh. Nếu có sự cộng sinh cho các ngân hàng và DN sẽ khai thông nguồn vốn, tạo động lực phát triển, giảm thiểu rủi ro cho cả ngân hàng và DN” - Chủ tịch VCCI khẳng định.