Vụ án chạy thận tại Hòa Bình tiếp tục kéo dài

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/5, phiên tòa xét xử vụ án chạy thận khiến 8 người chết (cập nhật mới là 9 người chết) xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 8. Trước đó, TAND TP Hòa Bình dự kiến mở phiên xử sơ thẩm trong 5 ngày.

Tại sao ông Trương Quý Dương không đến tòa?
Tại phiên tòa, các luật sư nêu quan điểm về trách nhiệm của nguyên Giám đốc BV Trương Quý Dương không đến toà dù bị triệu tập. Luật sư Trần Vũ Hải đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra và đại diện VKS. Vụ án rơi vào bế tắc và kéo dài khi không mời được ông Trương Quý Dương đến toà. Khi đang xảy ra tranh chấp dân sự về kinh tế, cơ quan điều tra lại để ông Dương xuất cảnh.
Ngoài ra, luật sư Hải kiến nghị, đây là sự cố y khoa lớn nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, Bộ Y tế không ban hành quy trình lọc máu và vận hành hệ thống lọc nước RO, sau khi xảy ra vụ án mới ban hành quy chế. Bởi vậy, phải xử lý trách nhiệm của Bộ Y tế.
 Các bị cáo trong phiên tòa. Ảnh: TTXVN
Luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình) cho rằng, BV không có lỗi mà trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Ông Huế cũng kiến nghị triệu tập ông Trương Quý Dương từ trước và trong khi diễn ra phiên toà nhưng HĐXX không thực hiện. Việc vắng mặt ông Dương tại toà hoàn toàn có thể gây oan sai.
Tranh luận lại về việc xuất cảnh của ông Trương Quý Dương, công tố viên khẳng định không có cơ sở cấm xuất cảnh bởi ông Dương không phải là bị can, bị cáo hay người sắp bị khởi tố. Ông Dương được xác định tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tòa bất ngờ quay trở lại phần xét hỏi
Tranh tụng tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Tiến Thủy (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn) thông tin, thời điểm xảy ra sự cố, Trần Văn Sơn chưa ký hợp đồng lao động với BV. Về pháp lý, bị cáo Sơn không phải là người của BV nên trong vụ tai nạn y khoa hồi tháng 5/2017, Sơn không được phân công nhiệm vụ tại đây.
Trước đó, VKS đề nghị Trần Văn Sơn 4-5 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Luật sư Nguyễn Tiến Thủy cho rằng, trách nhiệm chính phải thuộc về ông Trần Văn Thắng (Trưởng Phòng vật tư). Theo quy trình, Trưởng Phòng vật tư có trách nhiệm kiểm tra thiết bị y tế rồi mới giao nhiệm vụ cho điều dưỡng. Trong khi đó, Sơn chưa ký hợp đồng lao động nên không phải chịu trách nhiệm. Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ điều tra lại và cho bị cáo Sơn được tại ngoại, áp dụng biện pháp cấm rời nơi cư trú.
Đối đáp với luật sư, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng cho rằng, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, buộc tội Trần Văn Sơn, bởi VKS dựa trên hồ sơ vụ án và những lời khai khi xét hỏi tại tòa.
Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc) cho rằng, trong vụ án, hợp đồng số 315 được ký giữa BV và Công ty Thiên Sơn. Đơn vị này có sơ đồ hệ thống để sửa chữa máy lọc thận nhưng đã không đưa ra trước khi Quốc đến thi công. Cáo trạng quy kết Quốc sử dụng các hóa chất không được sử dụng trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, không có quy định nào thể hiện danh mục các chất bị cấm sử dụng liên quan đến sục rửa máy lọc nước chạy thận. “Bùi Mạnh Quốc là Giám đốc Công ty Trâm Anh, trong khi, hợp đồng được BV ký với đối tác Thiên Sơn nên Quốc không có trách nhiệm trong vụ án” – luật sư Hải nói.
Chiều 24/5, HĐXX chấp nhận tài liệu chứng cứ ghi hình cuộc nói chuyện của lãnh đạo bệnh viện về hợp đồng ký với Công ty Thiên Sơn mà luật sư Lê Văn Thiệp nộp vào chiều 23/5. HĐXX bất ngờ quay trở lại phần xét hỏi để làm rõ nội dung đoạn clip này.