Vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Đồng Tâm: Luật sư khẳng định các đối tượng phải đối mặt hình phạt cao nhất đến tử hình

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), các luật sư khẳng định, đây là sự việc đau lòng và vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Với hậu quả 3 chiến sỹ công an hy sinh, nếu có căn cứ xác định là đồng phạm thì các đối tượng vẫn phải đối mặt hình phạt cao nhất đến tử hình.

Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: TTXVN

Ngày 13/1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 22 đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 9/1.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ và lời khai của các đối tượng đã bị bắt giữ, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 19 bị can về hành vi Giết người, gồm: Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Bùi Văn Niên, Nguyễn Văn Tuyến, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Văn Quân).

Khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Đình Chức về hành vi Giết người. Khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 2 bị can về hành vi Chống người thi hành công vụ, gồm Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến.

Cơ quan điều tra hiện đang tạm giữ hình sự đối với 4 đối tượng: Nguyễn Thị Dung về hành vi Chống người thi hành Công vụ; Nguyễn Xuân Điều, Trần Thị Phượng, Đào Thị Kim về hành vi Giết người.

Trước đó, ngày 9/1, CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án về 3 tội danh để điều tra vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, gồm: Tội danh Giết người, tội danh Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và tội danh Chống người thi hành công vụ.

Về vụ việc ở xã Đồng Tâm, từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, TP Hà Nội theo kế hoạch.

Trong quá trình xây dựng, sáng 9/1, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.

Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch.

 Số vũ khí, hung khí của các đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại xã Đồng Tâm bị cơ quan công an thu giữ

Liên quan đến vụ việc các đối tượng phạm tội, theo luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội), đây là sự việc đau lòng và vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người. Thông tin từ Bộ Công an cho biết, các đối tượng đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng để gây án và dẫn đến hậu quả đau thương làm 3 đồng chí công an hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Việc tàng trữ và sử dụng lựu đạn là tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái pháp luật mà Bộ luật Hình sự quy định rất rõ là phải xử lý nghiêm.

“Ở xã Đồng Tâm, sự việc chống đối liên quan đến xâm phạm đất quốc phòng. Các lực lượng chức năng đang xây dựng hành lang, hàng rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn là nhiệm vụ trọng yếu bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia. Các đối tượng cố tình chống đối như vậy, quan điểm của tôi là cần phải xử lý nghiêm” – luật sư Bùi Quang Thu nêu quan điểm.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, qua kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan điều tra đã xác định được các đối tượng gây án, nguyên nhân, động cơ, mục đích, tính chất mức độ khi thực hiện hành vi phạm tội.

Có thể thấy việc Cơ quan điều tra khởi tố ban đầu đã lên đến 19 bị can về tội Giết người là con số kỷ lục trong một vụ án. 

Theo kết luận của các Cơ quan chức năng cho thấy toàn bộ đất Sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng. Do buông lỏng quản lý, một số người dân lấn chiếm làm ruộng và nhà lẻ. Khi có chủ trương thu hồi đất lấn chiếm thì toàn bộ các hộ lấn chiếm chấp hành, chỉ một số người lợi dụng mục đích cá nhân kích động, lôi kéo người dân khiếu nại, mặc dù chính quyền các cấp từ địa phương đến Trung ương đã vào cuộc thanh tra và kết luận rõ ràng cho người dân có đất và tổ đồng thuận do ông Kình là người đứng đầu. Nhưng họ không đồng ý, mặc dù họ không có đất khu vực trên.

Đây là vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng đã lên kế hoạch chặt chẽ, phân công nhiệm vụ và chuẩn bị vũ khí, hung khí nguy hiểm để đối phó với các lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Xét hành vi phạm tội của các đối tượng đã cấu thành tội Giết người và tội Chống  người thi hành công vụ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, d, n, o Khoản 1 Điều 123 và Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.

Về nguyên tắc, khi quyết định hình phạt phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hình phạt tử hình được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội Giết người khi xét thấy không có khả năng giáo dục cải tạo, là kẻ chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực và không còn tính người. Trong vụ án này, với hậu quả 3 chiến sỹ công an hy sinh, nếu có căn cứ xác định là đồng phạm thì các đối tượng vẫn phải đối mặt hình phạt cao nhất đến tử hình.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

a) Giết 2 người trở lên;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm