Vụ "cưỡng hôn" bị phạt 200.000 đồng: Khoảng trống pháp lý

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh vụ việc người đàn ông cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng, các chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác rất đáng lên án. Tuy nhiên, pháp luật đang còn khoảng trống về chế tài xử lý.

Cưỡng hôn chỉ xử phạt hành chính
Sự việc xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 4/3, tại thang máy chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Nạn nhân trong vụ việc là chị P.H.V. (20 tuổi, sinh viên trú tại chung cư Golden Palm). Sau khi đi dạo về, chị V. vào thang máy để lên phòng, đã bị người đàn ông lạ mặt cưỡng hôn, trầy xước ở mũi và tay, tinh thần hoảng loạn. Trong đêm hôm ấy, chị V. đã trình báo vụ việc với Ban quản lý tòa nhà và Công an phường Nhân Chính. Đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi, quê Hải Phòng) đã thừa nhận toàn bộ hành vi sai trái của mình, đồng ý công khai xin lỗi, song 2 lần tổ chức đều vắng mặt.
 Người đàn ông cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng.
Công an quận Thanh Xuân xác định, hành vi của Đỗ Mạnh Hùng không cấu thành tội phạm. Căn cứ vào khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013NĐ-CP, đối tượng Hùng chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 200.000 đồng.
Trong khi đó, một vụ việc khác đang diễn ra gây bức xúc dư luận. Đối tượng Nguyễn Trọng Trình (SN 1988, trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) có hành vi bắt cóc cháu V.N.Q. (SN 2009, trú ở huyện Chương Mỹ). Đồng thời, dùng vũ lực tấn công, thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với cháu bé. Nạn nhân bị gãy một chiếc răng, bị một số vết tụ máu, xây xát da ở vùng mặt, cổ, ngực và bị tổn thương bộ phận sinh dục.
Thế nhưng, đối tượng chỉ bị khởi tố về tội “Dâm ô với trẻ dưới 16 tuổi” và được tại ngoại do phạm tội “ít nghiêm trọng”. Sự việc này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về những lỗ hổng trong luật pháp hiện hành.
Sau khi dư luận lên án mạnh mẽ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ vụ án từ Công an huyện Chương Mỹ để điều tra mở rộng, xem xét điều tra theo tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”; đồng thời ra lệnh tạm giam đối với bị can Trình.
Nâng mức xử phạt
Nhìn nhận góc độ pháp lý, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn rất nhiều khoảng trống pháp luật trong hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em khi bị quấy rối tình dục. Quy định pháp luật hiện chưa có chế tài riêng để xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục mà những hành vi này được xử lý chung chung với những hành vi như dùng lời nói, cử chỉ khiêu khích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Tất cả những hành vi này đều bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 100.000 – 300.000 đồng theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, về mặt pháp luật, việc xử phạt 200.000 đồng hoàn toàn phù hợp quy định của luật. Tuy nhiên, mức xử phạt này chưa đủ nghiêm khắc đối với hành vi tấn công tình dục, quấy rối tình dục của người đàn ông đối với phụ nữ. Có thể đây là lỗ hổng, khiếm khuyết của pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung để bảo vệ danh dự, nhân phẩm con người.
“Hành vi quấy rối tình dục hiện chưa được pháp luật hình sự quy định thành tội riêng nên không thể xử lý trách nhiệm hình sự được. Các nhà làm luật cần sửa luật để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi quấy rối tình dục nhằm răn đe riêng và phòng ngừa chung” – luật sư Toại kiến nghị.

"Ở một số quốc gia, với hành vi quấy rối tình dục, người đàn ông sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tù. Sau khi ra tù, những đối tượng này còn bị gắn chíp điện tử theo dõi, cấm đến gần phụ nữ và trẻ em." - Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Đoàn Luật sư Hà Nội)