Vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng: Làm sao thu hồi tiền phạm pháp ở nước ngoài?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, TP”, cơ quan công an phát hiện nhóm đứng đầu tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn để hợp thức hóa nguồn tiền phạm pháp. Trong đó, Phan Sào Nam được cho là đã gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng ở Singapore.

Các chuyên gia luật cho rằng, cơ quan điều tra cần xác minh số tiền này được hình thành bất hợp pháp, là nguồn tiền do hành vi phạm tội mà có. Sau khi xác định được nguồn tiền phạm pháp, cơ quan điều tra tiếp tục xác minh nguồn tiền phạm pháp này được sử dụng như thế nào, chuyển đi đâu, để có biện pháp thu hồi.
 Ảnh minh họa
Trường hợp xác định được tiền đã chuyển ra nước ngoài, cụ thể là sang một ngân hàng ở Singapore, cơ quan điều tra căn cứ vào Bộ luật Tố tụng Hình sự; Luật Tương trợ tư pháp và Hiệp định tương trợ tư pháp giữa 8 nước ASEAN; trong đó có Việt Nam và Singapore tham gia. Theo đó, cần lập hồ sơ ủy thác gửi nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp như xác minh cụ thể số tiền, chủ sở hữu, thời hạn gửi…, tới cơ quan chức năng của Singapore thực hiện hiệp định tương trợ tư pháp.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư Hà Nội), trong trường hợp tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có, việc xác minh, thu hồi được thực hiện theo hình thức thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự. Việt Nam có quyền yêu cầu quốc gia nơi có tài sản do phạm tội mà có trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định thu hồi tài sản của Nhà nước Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 22 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa 8 nước ASEAN, quốc gia có tài sản do phạm tội mà có cũng có thể tự mình tiến hành thủ tục để xác minh nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và theo thủ tục pháp lý của quốc gia này, trả lại tài sản do phạm tội mà có cho Nhà nước Việt Nam.

Căn cứ Khoản 5, Điều 31 Công ước về phòng chống tham nhũng của Liên Hợp quốc: "Nếu tài sản do phạm tội mà có đã bị biến đổi hoặc chuyển đổi, một phần hoặc toàn bộ, thành tài sản khác, tài sản khác này sẽ là đối tượng áp dụng các biện pháp nói tại điều này thay cho tài sản do phạm tội mà có".
Trong trường hợp số tiền phạm pháp của các đối tượng được chuyển thành bất động sản ở nước ngoài thì quy trình thu hồi không có sự khác biệt. Trong đó, chỉ khác ở quy định pháp luật, quá trình thực hiện của nước được yêu cầu tương trợ tư pháp. Do quy định pháp luật về việc phong tỏa, thu hồi đối với tiền gửi ngân hàng và bất động sản là khác nhau.

Trước đó, Bộ Công an thông tin về vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, TP”. Cơ quan công an khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, về hành vi tổ chức đánh bạc.

Cơ quan công an xác định, đường dây tổ chức đánh bạc do Phan Sào Nam (39 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP VTC truyền thông trực tuyến - VTC online), Nguyễn Văn Dương (43 tuổi, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) có vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần