Vụ dọa đuổi học tại Trường THPT Lạc Long Quân: Không thể xin lỗi là xong!

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mặc dù cơ quan quản lý đã yêu cầu Trường THPT Lạc Long Quân tiếp tục cho học sinh là con của phụ huynh dám có ý kiến phản biện trong nhóm zalo được đến trường. Tuy nhiên, nỗi bức xúc trong dư luận trước lối ứng xử của hiệu trưởng vẫn chưa thể nhẹ bớt.

Tình huống khôi hài, thiếu nhân văn

Vụ việc có tính chất khôi hài nhưng thiếu nhân văn xảy ra tại Trường THPT Lạc Long Quân, huyện Sóc Sơn gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua. Theo đó, anh H có con đang học lớp 12A3 của nhà trường đã chia sẻ suy nghĩ của mình về một số việc liên quan đến trường bao gồm các khoản thu đầu năm. Và rồi sau đó, bất ngờ anh nhận được thông báo triệu tập của hiệu trưởng vì lí do “những lời lẽ của anh làm ảnh hưởng uy tín của nhà trường”.

Thông báo gây bức xúc dư luận của Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn
Thông báo gây bức xúc dư luận của Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn

Phần vì không hiểu mình làm gì sai, phần do quá bận rộn với công việc, anh H không có mặt theo giấy mời. Ngày 7/9, trường cử giáo viên chủ nhiệm đến nhà để trao đổi và chuyển lời mời của ban giám hiệu nhưng anh H vẫn không đến trường. Ngày 25/9, trường tiếp tục gửi thông báo tới anh H kèm cảnh báo: Sau ngày 29/9, nếu anh H không lên làm việc, nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với con gái đang học lớp 12 của anh. Nói là làm, tối 3/10, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 gọi điện thông báo con anh phải nghỉ học từ 4/10. Bức xúc với lối hành xử trên, anh H đã đăng tải thông báo của Trường THPT Lạc Long Quân lên mạng xã hội.

Điều đáng nói, sau tất cả những việc đã làm (thông báo gửi anh H, không cho con anh H đi học), hiệu trưởng nhà trường vẫn kiên quyết cho rằng, mình làm vậy là đúng.

Hiệu trưởng lí giải: “Phụ huynh gửi con vào một môi trường mà nói là không trung thực, gửi con vào mà không biết sau này con ra sẽ làm gì. Như vậy đương nhiên chúng tôi phải mời lên làm việc để làm rõ…. Trường mời lên nhưng phụ huynh không lên. Không có sự hợp tác trong công tác giáo dục, làm sao nhà trường có thể làm được? Phụ huynh không tôn trọng nhà trường, không giải thích… thì nhà trường cho học sinh dừng học….”.

Nghe đến đó, dư luận càng không thể đồng tình với hiệu trưởng vì cách giải quyết vừa cảm tính, vừa thiếu tính chuyên nghiệp, không nhân văn lại vô cùng phản giáo dục.

Trước sức ép của dư luận và sự vào cuộc quyết liệt của Sở GD&ĐT Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân sau đó đã buộc phải thay đổi lối ứng xử với con anh H.

Cụ thể, ngay sau khi nắm được thông tin, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu Trường THPT Lạc Long Quân báo cáo nhanh về sự việc; đồng thời phải cho con anh H quay trở lại lớp học từ 5/10.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thẳng thắn: “Học sinh có tội tình gì mà nhà trường từ chối giáo dục học sinh? Nhà trường phải luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên; không thể vì bất đồng quan điểm giữa nhà trường với phụ huynh mà không cho học sinh đến lớp”.

Không thể nói “xin lỗi” là xong!

Xác nhận con gái mình đã được cho đến lớp đúng chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, anh H cho hay: "Theo thông báo của giáo viên chủ nhiệm, con gái tôi đã đi học trở lại từ ngày 5/10 sau khi nghỉ học một ngày (ngày 4/10).

Phối cảnh Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn (Ảnh: FBNT)
Phối cảnh Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn (Ảnh: FBNT)

Phụ huynh H chia sẻ, con gái mình ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý sau vụ việc. Năm nay đã là năm cuối cấp, lại gặp phải sự việc như vậy nên không chỉ con anh mà nhiều học sinh trong trường đều lo lắng, chưa thể tập trung vào việc học vì ám ảnh rằng, mình có thể bị cho thôi học bất cứ lúc nào vì một việc  không liên quan.

“Ngày 7/10, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân đã nói lời xin lỗi con gái tôi. Mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở đó”, anh H nói.

Cho rằng, trường không lạm thu; không gây khó cũng như không tạo sức ép tâm lý cho học sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân thông tin: “Tôi đã trực tiếp lên lớp nói chuyện với học sinh để ổn định tâm lý cho em, động viên em cứ yên tâm tập trung vào việc học chuẩn bị cho kỳ thi lớp 12. Tôi cũng quan sát và thấy em học tập bình thường, hòa đồng với các bạn”.

Nhấn mạnh việc, gia đình anh H chưa đóng phí gì cho năm học mới, trường cũng chưa có lịch hẹn làm việc từ phía anh H, Hiệu trưởng Trưởng THPT Lạc Long Quân bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác, phối hợp của cha mẹ học sinh. Về phần mình, ông đã làm báo cáo gửi Hội đồng quản trị, chờ chỉ đạo để thống nhất ý kiến, đảm bảo sự việc dừng lại và ổn định công tác giáo dục trong nhà trường. 

Dư luận đặt câu hỏi: Nếu sự việc không được đưa ra công luận, rất có thể con anh H sẽ bị nhà trường từ chối giáo dục trong oan uổng. Lối hành xử của hiệu trưởng như vậy là khó chấp nhận và cần phải xem xét để có hình thức xử lý phù hợp.

“Cần phải xem lại kỹ năng quản lý và thái độ đạo đức của hiệu trưởng. Không có quy định nào về việc phụ huynh học sinh không phối hợp thì đuổi học con cái của họ... Giáo dục là làm những hành động mang tính chất giáo dục, vì lợi ích của người học. Nếu chỉ bực lên mà đuổi học sinh thì còn đâu là sứ mệnh của nhà trường?”, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT bày tỏ.

Trong vai trò quản lý chung, Sở GD&ĐT Hà Nội nêu quan điểm: Dù là trường tư hay trường công cũng đều chịu sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hiện Sở GD&ĐT đã giao phòng Giáo dục Trung học, Thanh tra Sở xem xét về Trường THPT Lạc Long Quân và hiệu trưởng nhà trường trong lối ứng xử trên và nếu xác định có vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định.