Nguyên giám đốc Agribank Bến Thành đưa nhiều nhân viên… vào vòng lao lý!

Bài, ảnh: TRÚC MAI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phần xét hỏi vụ án “Tham ô tài sản; Đưa và nhận hối lộ; Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bến Thành (Agribank Bến Thành).

Lập nhiều công ty lừa hàng trăm tỷ đồng!
Chủ tọa phiên tòa đã hỏi bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (SN 1960, nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành) có ý kiến về những gì cáo trạng của Viện KSND Tối cao truy tố 3 tội “Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”? Bị cáo Oanh thừa nhận tất cả những gì cáo trạng nêu.
Bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh đang trả lời những câu hỏi của HĐXX.
Đối với các khoản vay của các công ty: Kim Gia Thuận, Kim Gia Thảo, Quang Phương, Tầm Nhìn Mới, Thắng Lợi do Lê Văn Tính (SN 1958, làm giám đốc, bị truy tố 2 tội “Đưa hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) trên 137 tỷ đồng. Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Oanh quen bị cáo Tính trong trường hợp nào? Công ty Tầm Nhìn Mới do Tính mua lại của Nguyễn Quang Dũng rồi để cho vợ đứng làm giám đốc là do ai giới thiệu mua? Trên 24 tỷ đồng chênh lệch khi tính vay ai hưởng?
Bị cáo Oanh khai do Lê Văn Tính là người nhà của Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Nhà nước nên khi được yêu cầu cho vay thì Oanh gặp. Người đưa Tính đến gặp Oanh để vay là vợ của Bí thư Đảng ủy nói trên. Hợp đồng tín dụng đầu tiên là 12 tỷ đồng, vay vàng nhưng nhận tiền. Đối với mỗi doanh nghiệp chỉ được vay 50 tỷ đồng, vì vậy Tính lập tới 3 công ty để vay trên 100 tỷ đồng. Đối với Công ty Tầm Nhìn Mới do Oanh giới thiệu cho Tính mua lại, dù biết các công ty của Tính không đảm bảo điều kiện cấp tín dụng nhưng Oanh vẫn cho vay và hưởng chênh lệch số tiền trên 24 tỷ đồng dùng để trả nợ cho Công ty Liên Lục Địa.
Không có nhu cầu, vẫn vay vì yêu con của giám đốc
Khi được gọi về việc vay 22.314 chỉ vàng SJC để làm gì? Bị cáo Huỳnh Ngọc Thạch (SN 1982, nguyên Tổng giám đốc Công ty Liên Lục Địa, con rể bị cáo Oanh, bị truy tố tội “Tham ô tài sản”) khai quen với con gái bị cáo Oanh từ năm 2002. Đến năm 2007 thành lập Công ty cổ phần vận tải với ngành nghề chính làm tờ khai hải quan và vận tải, vốn điều lệ chỉ 1,6 tỷ đồng. Đến tháng 8/2008, Oanh mượn tên của Thạch để vay. Tiếp đó vào năm 2009, Oanh tiếp tục đề nghị Thạch dùng pháp nhân của Công ty Liên Lục Địa để vay số vàng nêu trên. Dù không có nhu cầu vay vốn, nhưng vì là bạn trai của con gái Oanh nên Thạch ký hồ sơ vay, đến năm 2011, Thạch trở thành con rể bị cáo Oanh.
Để Công ty Liên Lục Địa vay được 22.314 chỉ vàng SJC, Oanh chỉ đạo Cao Bảo Hiếu (SN 1981, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh Agribank Bến Thành, bị truy tố 2 tội “Tham ô tài sản; Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”) lập hồ sơ vay với mục đích mua nhà 23 Phạm Ngũ Lão (P. Nguyễn Thái Bình, Q.1) để làm văn phòng. Tài sản bảo đảm tiền vay là căn nhà 139/C2, 139/C6 Lý Chính Thắng (P.7, Q.3) do vợ chồng Oanh sở hữu cùng 2 căn hộ chung cư Phú Mỹ Thuận ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) của Đoàn Thị Như Thiên (con gái Oanh).
Nhận thấy những tài sản đảm bảo tiền vay không đủ cho vay số vàng nêu trên, Hiếu đã phản ánh lại thì Oanh chỉ đạo nâng giá trị đảm bảo tài sản lên cao hơn giá trị thực tế để đủ điều kiện vay. Vì vậy, Hiếu đã định giá các tài sản bảo đảm cao hơn 30% so với giá trị thực tế. Cũng do Oanh chỉ đạo nên Hiếu không gặp Thạch để thẩm định phương án vay vốn, mục đích vay. Sau đó Hiếu soạn thảo hợp đồng tín dụng, hợp đồng đảm bảo tiền vay, biên bản định giá tài sản…
Nâng giá tài sản theo chỉ đạo của giám đốc
Khi trình hồ sơ vay của Công ty Liên Lục Địa cho Trương Thế Thanh (đã chết) ký, Hiếu cũng trình bày rõ đây là hồ sơ do giám đốc Oanh chỉ đạo làm, chỉ đạo nâng giá trị thực tế. Khi đã có đầy đủ các chữ ký, Hiếu giải ngân 3 lần tổng cộng 22.314 chỉ vàng SJC. Huỳnh Ngọc Thạch là người ký giấy nhận nợ và giấy lĩnh tiền mặt, nhưng thực tế số vàng trên không xuất ra khỏi quỹ của Agribank Bến Thành mà được xử lý trên hệ thống IPCAS của Agribank Việt Nam để cấn trừ tất toán các khỏan vay của 7 cá nhân (do Oanh lập hồ sơ giả để vay 23.600 chỉ vàng SJC - PV) vào năm 2008.
Khi được chủ tọa phiên tòa hỏi có ý kiến gì về cáo trạng? Bị cáo Cao Bảo Hiếu thừa nhận có vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhưng bị cáo không phạm tội “Tham ô tài sản” vì không “xơ múi” gì trong hồ sơ vay của bị cáo Thạch, tất cả do chỉ đạo của bị cáo Oanh. Tương tự, khi được gọi hỏi, bị cáo Nguyễn Quốc Việt (SN 1981, nguyên Phó trưởng phòng giao dịch Viễn Đông - Agribank Bến Thành, bị truy tố 2 tội “Tham ô tài sản; Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”) cũng không đồng ý một phần cáo trạng. “Bị cáo chỉ nhập số liệu vào hệ thống IPCAS theo chỉ đạo của bị cáo Oanh. Đối với 7 hồ sơ cá nhân vay 23.600 chỉ vàng vào năm 2008, bị cáo không gặp những cá nhân đó, khi nhập xong số liệu, bị cáo không biết ai lấy tiền”, bị cáo Việt khai trước tòa.
Đối với câu hỏi của Chủ tọa trong thời gian điều hành Agribank Bến Thành (từ ngày 2/5/2008 đến khi bị bắt vào năm 2012), có ai khuyến cáo cách điều hành theo kiểu “gia đình” của bị cáo không? Bị cáo Oanh khẳng định không ai khuyến cáo và trong việc cấp tín dụng cũng như trách nhiệm của những bị cáo là cán bộ Agribank Bến Thành có mặt tại tòa, không còn ai liên đới trách nhiệm.