Vụ "tranh chấp ly hôn" Trung Nguyên: Vẫn còn góc khuất chưa làm rõ

Bài, ảnh: Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 4 ngày xét xử, TAND Cấp cao bác kháng cáo của các bên, chấp nhận cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ ly hôn, chiều 5/12.

Từ vụ kiện “Tranh chấp ly hôn” giữa vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên, vẫn còn những điều cần làm rõ.
Ai đã “ém” Quyết định 05 của Chánh án TAND Cấp cao?
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Phạm Công Hùng cùng nhiều luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thảo, khẳng định bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bởi lẽ, tòa cấp cao đã… “ém” Quyết định số 05/2018/QĐ-GQKN-TACC ngày 23/8/2018 (QĐ số 05) của Chánh án tòa này cho bà Thảo và TAND TP Hồ Chí Minh, dẫn đến HĐXX sơ thẩm xử và tuyên bản án bất công đối với bà Thảo.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Cụ thể, ngày 22/5/2017, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân (chủ tọa phiên tòa sơ thẩm - PV) ban hành quyết định tách hồ sơ vụ án số 42/2017/QĐST-DS (QĐ số 42), để tách yêu cầu chia toàn bộ cổ phần và các quyền tài sản trong Công ty TNHH Trung Nguyên International để giải quyết trong một vụ kiện khác.

Đến ngày 7/7/2017, Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh ban hành QĐ số 61 để hủy QĐ số 42. Sau đó, ngày 14/7/2017, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Lê Thị Ước, bà Đặng Thị Mai Thùy có đơn khiếu nại, đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy QĐ số 61. Ngày 28/9/2017, Phó Chánh án Lý Khánh Hồng ban hành QĐ số 01 để chấp nhận khiếu nại của bà Ước, bà Thùy hủy QĐ số 61.
Đến ngày 27/3/2019, vụ kiện được TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử và tuyên án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST. Tại trang 37 và 38 của bản án có nội dung: Về yêu cầu giải quyết đối với tài sản là cổ phần của vợ chồng trong Công ty TNHH Trung Nguyên International, Chánh án TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ban hành QĐ số 01 hủy QĐ số 61 của Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh và giữ nguyên QĐ số 42 của TAND TP Hồ Chí Minh và quyết định này là quyết định cuối cùng. Vì vậy vụ án sẽ được giải quyết bằng vụ kiện khác là có căn cứ.
“Tuy nhiên, ngày 25/6/2019, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh có văn bản số 217/TANDCC gửi cho bà Thảo với nội dung: ... Đơn khiếu nại QĐ số 01 đã được xem xét và ban hành QĐ số 05 thay đổi QĐ số 01. Hiện tại QĐ số 05 của Chánh án TAND Cấp cao đang có hiệu lực pháp luật” - luật sư Hùng nói.
Kèm theo văn bản số 217 là bản photo QĐ số 05, nêu: “Thay đổi QĐ giải quyết khiếu nại số 01 do Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ký theo sự ủy nhiệm của Chánh án TAND Cấp cao: Không chấp nhận khiếu nại của bà Lê Thị Ước và bà Đặng Thị Mai Thùy; Giữ nguyên QĐ số 61 của Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh; Quyết định này là quyết định có hiệu lực pháp luật”. Những cơ quan, cá nhân nhận QĐ số 05 nêu trên, gồm: Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, TAND TP Hồ Chí Minh; các đương sự...
Có dấu hiệu “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc”
“Bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Bởi lẽ, trước ngày xét xử và tuyên án 27/3/2019, thì QĐ số 01 đã bị QĐ số 05 ban hành ngày 23/8/2018 thay thế và không còn có hiệu lực pháp luật” - luật sư Lê Thị Hoài Giang khẳng định.
Còn luật sư Phạm Công Hùng đề nghị lãnh đạo của TAND và Viện KSND Tối cao xem xét, xử lý hành vi sai trái của những người có thẩm quyền trong việc phát hành QĐ số 05 của Chánh án TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Theo luật sư Hùng, hành vi “ém” QĐ số 05 là một sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng, cho thấy dấu hiệu che giấu, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án suốt 2 năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của các doanh nhân đối với ngành tư pháp Việt Nam.
Hành vi cố tình quên QĐ số 05, có dấu hiệu vi phạm điều 375 tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” được quy định tại Bộ luật hình sự 2015, cụ thể: “1/ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt từ từ 1 - 5 năm. 2/ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: a) Có tổ chức; b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch”.
Ngoài ra, theo luật sư Lê Thị Hoài Giang, HĐXX tòa phúc thẩm đã không làm rõ nhiều sai sót nghiêm trọng trong bản án sơ thẩm. Cụ thể, HĐXX phúc thẩm không triệu tập ông Lê Hoàng Văn là chủ tài khoản và không xem xét nguồn gốc của số tiền 1.764 tỷ đồng mà các luật sư phía ông Vũ từng đề cập; Không triệu tập Công ty Thẩm định giá Sài Gòn - là người giám định tài sản tại Trung Nguyên để làm rõ những nội dung liên quan đến phân chia tài sản...

Chiều 5/12, HĐXX phiên phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên án. Theo đó, tòa bác kháng cáo của bà Thảo và ông Vũ; chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, tòa công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ; bà Thảo nuôi 4 con, ông Vũ cấp dưỡng 2,5 tỷ đồng/cháu/năm (từ năm 2013 đến khi các cháu học xong đại học); đối với tài sản tòa tuyên y án sơ thẩm, ông Vũ 60%, bà Thảo 40%; về bất động sản (BĐS) ông Vũ nhận 6 BĐS, bà Thảo nhận 7 BĐS và phải bù lại tiền cho ông Vũ phần chênh lệch; đối với tài sản là vàng, ngoại tệ, tiền đồng Việt Nam hơn 2.000 tỷ đồng trong các ngân hàng, ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40%; đối với tài sản là cổ phần tại các công ty, ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40%. Ông Vũ có trách nhiệm “thối” tiền cho bà Thảo. Trước đó bà Thảo kháng cáo với yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, còn ông Vũ kháng cáo đòi chia tài sản cho mình 70%, bà Thảo 30%.