Vừa mừng, vừa lo với EVFTA

TS Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Hanoisme
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội không chỉ giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu mà còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, EVFTA cũng sẽ đem lại không ít thách thức cho DN Việt Nam.

 Dây chuyền sản xuất may xuất khẩu trong phân xưởng Công ty TNHH Trường Phúc, Hưng Yên. Ảnh: Khắc Kiên
Cơ hội đan xen thách thức
Trước hết, đây là tin vui đối với cộng đồng DN. So với CPTPP địa bàn rộng, có văn hóa khác nhau, sử dụng đồng tiền khác nhau nên DN sẽ gặp khó khăn hơn trong kinh doanh, logistic... Còn khối EU có nền văn hóa thống nhất hơn, sử dụng chung đồng tiền. Song với hơn 96% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, trình độ nhân lực hạn chế, khả năng quản trị chưa cao…, việc khai thác ưu đãi từ FTA này không dễ. Thực tế, cùng với cơ khí chế tạo, bán lẻ, nông thủy sản Việt Nam sẽ chịu “lép vế” tại EU, bởi lẽ thị trường này có yêu cầu, chuẩn mực rất cao liên quan đến ATVSTP, hàng rào kiểm dịch… Chưa kể, xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột thương mại phức tạp sẽ khiến những yêu cầu này trở nên khắt khe hơn.

Bên cạnh đó, tương tự như nhiều FTA khác Việt Nam đã tham gia, ưu đãi về thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của cộng đồng DN. Tuy nhiên, muốn được hưởng ưu đãi về thuế, DN buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đây cũng là một điểm yếu của DN Việt Nam. Tiếp theo là, nguyên liệu đầu vào của nhiều mặt hàng hiện nay vẫn còn nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước ASEAN; chi phí tuân thủ của DN hiện vẫn còn lớn nên không phải DN Việt Nam nào cũng tận dụng được ưu đãi từ EVFTA.

Vấn đề DN quan tâm nhất là hàng rào thuế quan của EU sẽ được gỡ bỏ theo lộ trình đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Qua EVFTA, việc xuất khẩu sẽ vô cùng thuận lợi. Không chỉ gia tăng về sản lượng, nhưng để vào được thị trường này, DN Việt Nam phải hoàn thiện hơn về công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư trong khối EU sẽ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ giảm thuế cho các nước EU, lúc đó hàng hóa các nước châu Âu có chất lượng cao sẽ vào Việt Nam dồi dào, qua đó người tiêu dùng được hưởng lợi sử dụng sản phẩm với giá hợp lý hơn.

Rõ ràng, cạnh tranh trong EVFTA là cạnh tranh đa chiều. Chúng ta cũng phải nâng cao khả năng cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu của khối EU. Trước nay, DN phần lớn cung cấp hàng hóa cho thị trường ở tầm trung, nhưng ở khối này yêu cầu hàng hóa chất lượng cao, tiêu chuẩn và quy định ngặt nghèo hơn. Mặc dù vậy, cạnh tranh cũng làm cho DN và thị trường Việt Nam tốt lên, bởi khi ta chơi với một người bạn ở tầm cao, ta buộc phải phấn đấu, thay đổi. Khi DN Việt đã có thể cạnh tranh ở thị trường khó tính thì vào các thị trường khác sẽ dễ dàng hơn. Nghĩa là, thị trường khó tính như vậy sẽ giúp DN có tầm nhìn chiến lược xa hơn.

Nếu DN trước chỉ sản xuất thô, giờ phải sản xuất tinh hơn bằng việc áp dụng công nghệ. Với những ngành hàng chủ lực, là thế mạnh của chúng ta như nông sản, thực phẩm, dệt may, da giày, dược phẩm… ta vẫn có nhiều thế mạnh để tận dụng. Những sản phẩm này đã được các nước trên thế giới đánh giá cao, nếu biết xây dựng quy trình, thương hiệu và tham gia được chuỗi liên kết sẽ giúp DN tốt lên.

GDP có thể tăng 0,5%/năm

Với những cam kết sâu rộng về mở cửa thị trường cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư; bảo đảm các yếu tố của quá trình tái sản xuất hàng hóa và dịch vụ dịch chuyển tự do hơn giữa các thành viên tham gia Hiệp định, có thể nói, EVFTA sẽ tác động hầu khắp các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế của Việt Nam. Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực sẽ tác động làm tăng GDP của Việt Nam 0,5%/năm và đến năm 2025 sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 7 - 8% theo xu hướng tăng trưởng hiện tại. Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ EVFTA là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu, bia…

Theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), hiện mới có hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0%. Sau khi EVFTA có hiệu lực, gần 100% hàng xuất khẩu Việt Nam vào EU sẽ được hưởng ưu đãi thuế. Nghiên cứu của Bộ KH&ĐT cho thấy, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,3% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).

Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm Chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Đồng thời, giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…